Hang Đồng Trương sát QL7, thuộc địa phận xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Năm 2003, anh Nguyễn Văn Đoài (xóm 10 - Hội Sơn) vào hang khai thác vật liệu xây dựng, tìm thấy chiếc rìu của người tiền sử. Sự việc được báo lên Phòng VH-TT huyện.
Tháng 2/2004, UBND tỉnh Nghệ An quyết định cho phép khai quật hang Đồng Trương. Tại miệng hang, trên diện tích khoảng 50m2 phát hiện 10 ngôi mộ táng chôn theo hình bó gối và hơn 3.000 di vật.
Trong đó có các đồ đá được ghè đẽo thô sơ, vòng tay, chuỗi hạt bằng thuỷ tinh, dọi xe chỉ thuộc thời kỳ đồ đá cũ; Nhiều xương cốt động vật bán hoá thạch; Một số hiện vật thời kim khí, đồ đồng thời tiền Đông Sơn đến Đông Sơn Hán.
Ngoài ra, đoàn khảo cổ còn thu thập hàng ngàn mảnh gốm có nét hoa văn mang đặc trưng vùng Tây Bắc VN và Chiềng Mai – Thái Lan, cùng hàng tạ vỏ ốc biển.
“Đây là một di tích hiếm có ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, một di tích địa tầng cần được bảo tồn nguyên trạng để tiếp tục nghiên cứu. Hang Đồng Trương là nơi nhiều thế hệ người Việt cổ sinh sống, vì có cả đồ đá, đồ kim khí, thủy tinh. Tập đoàn người cư trú ở đây lâu đời nhất trên 10.000 năm, gần nhất khoảng 2.000 năm” - Một chuyên gia khảo cổ nhận định.
Với bề dày lịch sử như thế, việc phát hiện hang Đồng Trương thực sự gây chấn động trong giới khảo cổ nước nhà. Sự kiện được xếp vào 1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật Quốc gia năm 2004.
Tuy nhiên, sau đợt khai quật chưa bao lâu thì di chỉ khảo cổ này bị “bỏ rơi”. 10 bộ xương người Việt cổ đào lên rồi để đấy, chẳng giữ được nguyên vẹn vì đám trẻ chăn trâu vô ý thức xông vào hang đập phá tan tành. Xương cánh tay, xương chân, xương sườn… nhiều chỗ bị bẻ gãy.
Trong khi chờ “kết quả nghiên cứu từ Viện Khảo cổ, 10 ngôi mộ táng lại được cho xuống hố.
Đầu tháng 8/2006, lần thứ 2, Viện Khảo cổ VN cử đoàn chuyên gia vào Anh Sơn - Nghệ An. Ngoài 10 bộ hài cốt đã tìm thấy, đoàn phát hiện thêm 2 mộ táng tại cửa hang Đồng Trương.
Rút kinh nghiệm lần trước, toàn bộ số hài cốt này được bốc lên xe, đưa về Hà Nội để nghiên cứu.
Cỏ mọc um tùm
Được biết, Sở VH-TT đã giao cho Ban Quản lý Di tích và Danh thắng khẩn trương làm việc với Viện Khảo cổ học Việt Nam để có kết luận chính thức về di tích hang Đồng Trương, tiến tới lập nhanh hồ sơ khoa học và phương án tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ.
Cơ quan chủ quản cũng yêu cầu Ban QL Di tích và Danh thắng cử cán bộ xuống ngay địa bàn để phối hợp với các bên liên quan làm tờ trình xin xếp hạng di tích.
Tuy nhiên, quy trình để di chỉ được xếp hạng di tích đang bị “tắc” vì Viện Khảo cổ học VN chưa có kết luận bằng văn bản.
Vượt quãng đường gần 100km, chúng tôi về thăm Đồng Trương. Bên ngoài hang đá cỏ dại mọc um tùm. Cửa hang được bao bọc bằng hàng rào dây thép gai, giữa có một lối đi nhưng không có cửa che chắn.
Hố khai quật ngổn ngang đất cát, vỏ ốc. Chẳng còn gì nữa, những di vật tìm thấy cái thì về Bảo tàng tỉnh, cái thì nằm im trong tủ trưng bày của Nhà Truyền thống địa phương. Đồng Trương bây giờ chỉ là cái hang trống trải, tiêu điều.
Chiều 11/9, PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học VN) cho biết, vừa rồi ông đã xin phép Sở VHTT Nghệ An và Viện Khảo cổ mang xương trong mộ táng về nghiên cứu. Tại Hội nghị thông báo Khảo cổ học năm 2006 tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 9 này, nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường sẽ công bố giá trị của 12 mộ táng phát lộ ở hang Đồng Trương. Trước mắt, có thể khẳng định đây là di cốt của người cổ Hòa Bình (niên đại trên dưới 1 vạn năm) và hang Đồng Trương là di chỉ có nhiều mộ táng thứ hai sau Mái đá Điều (Thanh Hóa). |