ĐH Đoàn: Tuổi trẻ ham làm việc lớn, không màng quan to

ĐH Đoàn: Tuổi trẻ ham làm việc lớn, không màng quan to
TPO – Chiều nay 11 – 12 trong khuôn khổ ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X, diễn ra buổi thảo luận "Tuổi trẻ làm theo lời Bác - Sống đẹp, sống có ích" với sự tham dự của 100 đại biểu.

>Toàn cảnh 10 trung tâm thảo luận tại ĐH Đoàn

>20 hoạt động tiêu biểu của Đoàn nhiệm kỳ qua

>1.000 Đại biểu dự ĐH Đoàn toàn quốc báo công dâng Bác

Ít khen và tự khen

Chủ trì buổi thảo luận có Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lâm Phương Thanh; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh và các GS-TS, nhà khoa học, nhà giáo.

Phát biểu khai mạc, anh Nguyễn Đắc Vinh nhận xét công tác giáo dục của VN hiện nay có rất nhiều thách thức. Do vậy, buổi thảo luận hôm nay sẽ có nhiều đại diện trong ngành giáo dục để mổ xẻ, chia sẻ các vấn đề thách thức thực tiễn hiện nay. "Hy vọng tại buổi thảo luận này, các ĐB khen và tự khen ít thôi, mà hãy đặt ra những vấn đề và giải pháp cụ thể, thiết thực khả thi để giúp tổ chức Đoàn làm tốt vai trò trường học xã hội chủ nghĩa cho thanh niên", anh Nguyễn Đắc Vinh nói.

Mở đầu buổi thảo luận, GS - TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư nhấn mạnh việc Đoàn có vinh dự mang tên Bác, chính những năm tháng tuổi trẻ của Bác là kiểu mẫu của sống đẹp, sống có ích mà thanh niên cần phải học tập.

GS-TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ kinh nghiệm rằng tuổi thanh niên là rất ngắn và trôi qua rất nhanh nên phải tận dụng tốt thời cơ. 

Theo GS-TS Bảo, cuộc đời Bác hoàn toàn vượt qua cả danh và lợi, và thực hiện được triết lý sống vì người khác.

Ham làm việc lớn, không ham làm quan to

GS-TS Hoàng Chí Bảo cho biết Bác Hồ từng khuyên thanh niên rằng: “Tuổi trẻ phải ham làm việc lớn chứ không phải ham làm quan to”. Muốn làm được vậy, theo GS-TS Bảo thì tuổi trẻ phải dồn sức học tập. Học tập là vấn đề mà Bác đã từng dạy rằng: “Học tập là quyển vở không có trang cuối cùng”.

Bác là người thực hành mẫu mực về dân chủ. Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, Bác là nhà thiết kế về lý luận dân chủ và cũng là người thực hành lý luận thực tiễn dân chủ một cách tốt nhất bằng chứng là suốt cả cuộc đời Bác dù ở vị trí quyền lực cao nhất mà bản thân Bác chưa bao giờ ra lệnh cho ai.

Bác cũng là nhà thực hành công tác dân vận tuyệt vời. Đó là điều mà các cán bộ Đoàn có thể học tập một cách gần gũi nhất bởi chính cán bộ đoàn là người tập hợp thanh niên, tổ chức phong trào...

Bao trùm lên tất cả chính là việc Bác thực hành đạo đức cách mạng, bao gồm bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính. GS-TS Bảo đề nghị, việc rèn luyện các đức tính này phải rèn luyện ngay từ khi tuổi trẻ ngay khi bước vào quá trình lập thân, lập nghiệp.

Giáo dục đạo đức lối sống, chủ quyền biển đảo

ĐB Trần Thị Hương, Trưởng ban tuyên giáo Thành Đoàn TP.HCM trao đổi: Việc học tập Bác, theo ĐB Hương, cán bộ Đoàn cần chú trọng học tập về phong cách làm việc và phong cách sống.

Theo chị Hương, nhiệm kỳ tới Đòn phải đưatj trọng tâm việc giáo dục truyền thống. Trong đó, việc giáo dục lịch sử phải được quan tâm hàng đầu và nên từ thiếu nhi. Ngoài ra, vấn đề về giáo dục về chủ quyền biển đảo cũng cần phải thường xuyên và sâu rộng đến với thanh niên.

Anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết cơ quan T.Ư Đoàn có nhiều tờ báo nhưng viết về gương điển hình về đoàn viên, thanh niên còn hơi ít.

Đáp lại sự trăn trở của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Lê Anh Đạt, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong cho hay vừa qua báo có mở bốn chủ đề tập trung vào việc cổ vũ cuộc sống đẹp trong thanh niên và phần nào nhận được sự cổ vũ rất lớn từ phía bạn đọc. Nhiều bài viết về gương người tốt nhận được rất nhiều phản hồi rất tốt.

Đại biểu thẳng thắn góp ý

Đại biểu thẳng thắn góp ý.

Một khó khăn tiếp nữa tài liệu viết về Bác Hồ thì nhiều nhưng để cụ thể hóa những bài học đó đưa vào cuộc sống không phải là điều dễ dàng.

Theo ông Nam, thời gian qua Tỉnh đoàn Quảng Ninh phát động phong trào thiếu nhi, thanh niên làm theo lời Bác với mô hình hành trình theo chân Bác và hành trình biển đảo thiêng liêng.

Bà Lâm Phương Thanh (Phó ban Tuyên giáo T.Ư) nhận định thực tế 80 năm qua việc giáo dục thanh niên qua những tấm gương đẹp, vượt khó hết sức hiệu quả. Một số nơi trong đó có Quảng Ninh đã làm tốt được điều này.

Bà Lâm Phương Thanh đánh giá cao việc hệ thống Đoàn từ T.Ư đến các cấp triển khai rất sáng tạo cách làm và mô hình trong cuộc vận động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bà Thanh cho biết, khi tổng kết cuộc vận động thì kết quả thu được từ hệ thống Đoàn được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, khó lớn nhất hiện nay, theo bà Lâm Phương Thanh, là biến từ cuộc vận động nói trên thành việc làm thường xuyên trong việc học tập Bác. Điều này không chỉ không chỉ xảy ra ở tổ chức Đoàn mà ở tất cả các bộ, ban ngành, tỉnh thành.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, bà Thanh đánh giá việc xác định lại lợi ích cụ thể từ cái chung cộng đồng, đến bản thân đoàn viên đã giúp cho các chương trình hành động, công tác của Đoàn khởi sắc rất tốt.

Nói về hạn chế của truyền thông của tổ chức Đoàn, bà Thanh đánh giá dù rất tích cực nhưng trong thời gian qua vẫn có những cái chưa phát huy hết hiệu quả. Bà Thanh cho rằng, muốn một bài báo hay phải có chất liệu tốt.

“Các hoạt động, nhân vật phải làm tốt, điển hình thì báo chí mới tuyên truyền tốt được”, bà Lâm Phương Thanh nói.

ĐB Trần Đình Long, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, cho rằng trong nhiệm kỳ tới, Đoàn cần giáo dục thế hệ trẻ từ nhỏ. Từ những câu chuyện hiện có về Bác, có thể cụ thể hóa, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đưa thành môn học chính thống trong nhà trường. Đó là việc để cụ thể hóa tấm gương, phong cách sống của Bác trong quá trình phát triển của thế hệ trẻ.

Đề cập đến mô hình học tập Bác có hiệu quả ở địa phương, ĐB Long cho biết tuổi trẻ Hà Tĩnh thực hành tiết kiệm trong việc cưới xin. “Một mâm cưới của địa phương chúng tôi được phát động không thuốc lá, không mời rượu, một mâm cưới chỉ khoảng 100.000 đồng, giúp tiết kiệm đáng kể cho các đôi vợ chồng trẻ. Đó là việc tiêu biểu thực hành tiết kiệm để học tập Bác, để chiến thắng cái tôi hiếu thắng, ganh đua nhau của tuổi trẻ”.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho hay ông vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Tuy nhiên, lúc đó ông Phúc còn trẻ nên chưa hiểu hết những ý nghĩa mà Bác Hồ răn dạy.

Theo ông Phúc, học Bác Hồ chính là học tấm gương của sự vượt khó, học ở cuộc sống giản dị, yêu thương con người. Điểm nổi bật của Bác Hồ là biết rất nhiều ngoại ngữ và đều do Bác tự học.

Từ đó, ông Phúc kiến nghị tổ chức Đoàn nên phát động phong trào cuộc sống đẹp không chỉ trong thanh niên mà trong mọi đối tượng. Ngoài ra cần phải giáo dục con người có đức tính trung thực.

“Tôi nghĩ hiện nay đoàn có nhiều lợi thế để thúc đẩy cuộc sống đẹp, cuộc sống trung thực. Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương rất hay về vượt khó, làm giàu chính đáng, ý chí vươn lên. Phần lớn những tấm gương này lại rơi vào người trẻ”, ông Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, Đoàn cũng cần quan tâm tới lợi ích chính đáng của giới trẻ, thanh niên, chứ đòi hỏi mà không quan tâm tới lợi ích của thanh niên sẽ không tạo được hiệu quả. Cần phải cụ thể hóa những quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong Luật Thanh niên.

Tổ chức Đoàn cũng nên phối hợp với ngành giáo dục quan tâm hơn tới nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng lượng cao ở đây bao gồm cả người lao động, công nhân có tay nghề giỏi chứ không chỉ riêng đội ngũ giáo sư, tiến sĩ…

Nguyễn Trọng Hoàng, Bí thư Thành đoàn TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết trước nay Đoàn ít lưu tâm trong việc đấu tranh phê phán. “Trước khi sống đẹp, sống có ích thì lớp thanh niên phải biết phê phán, đấu tranh với cái xấu” - Hoàng đúc kết.

Ngoài ra, theo ĐB này, Đoàn cũng phải quyết liệt hạn chế bệnh hình thức trong việc tuyên truyền, đề nghị: “Nói ít làm nhiều, cụ thể hơn”. Ví dụ như: Thanh niên nông thôn làm gì, thanh niên công chức trẻ thì làm gì? Hiện nay việc vận động vẫn còn chung chung mà thiếu tính đặc thù. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn còn yếu, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.

Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng mạng, internet trong việc tuyên truyền, anh Hoàng cho rằng nhiềm kỳ tới Đoàn cần đẩy mạnh vai trò giáo dục trong cộng đồng, vận động những người chủ cộng đồng mạng cùng tham gia cùng Đoàn trong công tác tuyên truyền.

Các hoạt động thiết thực và mang ý nghĩa cần được đẩy mạnh hơn nữa ví dụ như chương trình Thắp nến tri ân.

ĐB Hoàng cho rằng nhiệm kỳ tới Đoàn tiếp tục cần nhân rộng gương điển hình một cách sâu hơn và rộng hơn. Về công tác giáo dục, cần phối hợp chặt chẽ nhiều hơn với các Ban ngành…

Chia sẻ với ý kiến đóng góp của ĐB Hoàng, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết nhiều đoàn viên cho rằng việc phát hiện các gương điển hình thường thì T.Ư làm tốt, tuy nhiên thực tế thì các gương điển hình đa số đều được phát hiện từ cơ sở. Chính từ việc phát hiện ở cơ sở mà các gương điển hình được T.Ư biết đến. Từ đó có sự kết hợp với các cấp ủy địa phương để tuyên truyền và nhân rộng trong thanh niên cả nước.

Kết thúc buổi thảo luận, anh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định nội dung của cuộc tọa đàm này sẽ kéo dài suốt nhiệm kỳ tới. Theo đó, T.Ư Đoàn sẽ vừa thảo luận, vừa trao đổi và cụ thể hóa những vấn đề đại biểu nêu lên ở hội thảo để áp dụng trong thực tế. Tránh trao đổi, bàn luận rồi để đó.

“Từ chủ trương đến thực tiễn không dễ chút nào. Nói phải đi đôi với làm. Nói mà không làm thì khi nói sẽ khiến người khác khó nghe”, anh Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

10 trung tâm thảo luận tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần X

1. Tuổi trẻ làm theo lời Bác - Sống đẹp, sống có ích.
2. Xây dựng Đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.
3. Vì đàn em thân yêu.
4. Thanh niên và hội nhập.
5. Nguồn nhân lực trẻ dựng xây đất nước.
6. Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống.
7. Tuổi trẻ học tập vì ngày mai lập nghiệp.
8. Tuổi trẻ tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
9. Thanh niên lập nghiệp.
10. Bản sắc thanh niên Việt Nam.

Theo Viết
MỚI - NÓNG