Lực lượng 141 Công an Hà Nội bắt giữ đối tượng (áo kẻ ca rô, đội mũ bảo hiểm) mang súng săn dạo phố . |
Thông tin trên được Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTATXH, Bộ Công an đưa ra tại Hội nghị triển khai Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT), diễn ra sáng qua.
Bộ Công an cho biết, qua 15 năm tổ chức thực hiện Nghị định 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, lực lượng chức năng đã vận động nhân dân giao nộp 308.040 khẩu súng các loại, hàng trăm ngàn viên đạn, quả đầu đạn, lựu đạn, thuốc nổ; Thu từ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép 2219 khẩu súng; 901 quả bom, mìn; 1.003 đầu đạn pháo; 6 tấn và 37.889 viên đạn; hơn 73 nghìn kg; 157.381 kíp nổ và 2064 công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ. |
Theo Bộ Công an, thực tiễn đấu tranh chống tội phạm trong những năm qua diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng phạm tội rất liều lĩnh, manh động, nhất là đối tượng ma túy.
Bên cạnh đó, số lượng súng săn, súng hơi, súng tự chế của đồng bào dân tộc miền núi phần lớn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn an toàn, song do phong tục tập quán nên người dân vẫn chưa có chế tài thu hồi...
Trước thực tế trên, Pháp lệnh quản lý sử dụng VK-VLN-CCHT đã được ban hành có hiệu lực từ 1-1-2012, song việc triển khai vẫn còn những vướng mắc nhất định.
Nêu ví dụ tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, nhiều gia đình đồng bào dân tộc cất giữ súng như bảo bối và được truyền từ đời này sang đời khác; hay ở Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình có phong tục bắn súng khi có người chết, nên ban đầu việc thuyết phục bà con giao nộp súng gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Vệ việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh trong thời gian tới sẽ có cơ sở phát huy thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tự chế và vũ khí thô sơ để gây án, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.
Cùng với việc nghiêm cấm cá nhân sở hữu các loại vũ khí “nóng”, Pháp lệnh cũng siết chặt việc sở hữu vũ khí thô sơ (dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, cung, nỏ…).
Theo đó, người dân chỉ được phép trưng bày, triển lãm loại vũ khí này. Quy định trên cũng được coi là căn cứ pháp lý để xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển hoặc mang theo người các loại vũ khí thô sơ trong bối cảnh tình trạng các đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ để chống người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nhiều.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phải tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh; tổ chức điều tra làm rõ các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT đặc biệt là các vụ việc có liên quan đến sử dụng VK-VLN-CCHT để trả thù cá nhân và chống người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, mở các đợt cao điểm, vận động nhân dân giao, nộp VK-VLN-CCHT đang trôi nổi...