Quấy rầy thần tượng
Lisa có chuyến du lịch với bạn đến TPHCM đã gây xôn xao dư luận. Người hâm mộ vui mừng khi nữ thần tượng chọn Việt Nam làm điểm đến cho lịch trình cá nhân. Bên cạnh đó, một số người hâm mộ không hài lòng khi những nơi nữ thần tượng ghé qua đều liên tục được cập nhật trên mạng xã hội, thậm chí những món đồ cô mua cũng được công bố nhanh chóng.
Cụ thể, hình ảnh và video Lisa mua sắm tại một cửa hàng thời trang ở TPHCM được đăng tải trên chính Facebook của cửa hàng đó. Đi kèm với hình ảnh, hóa đơn mua hàng của thành viên nhóm nhạc BlackPink cũng bị đăng tải. Theo đó, Lisa cùng người thân mua một số món hàng với tổng giá trị hóa đơn là hơn 4 triệu đồng.
“Ở Việt Nam, văn hóa thần tượng rất phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là sự hâm mộ ngôi sao ca nhạc, điện ảnh nước ngoài trong đó phải kể đến Hàn Quốc. Nghệ sĩ Hàn Quốc thường có hình ảnh được xây dựng cẩn thận và chuyên nghiệp. Họ trang điểm công phu và chọn trang phục theo phong cách riêng để tạo ra sự thu hút và gợi niềm tin từ phía người hâm mộ”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Bài đăng ngay lập tức nhận về hàng nghìn lượt tương tác. Trong khi, một số người hâm mộ tỏ ra háo hức khi nữ thần tượng chọn Việt Nam là điểm dừng chân, số khác cho rằng, cửa hàng không bảo mật thông tin của khách, xâm phạm quyền riêng tư của Lisa. “Tại sao lại đăng hóa đơn mua hàng của người khác lên như thế”, “Cửa hàng đang xâm phạm quyền riêng tư của người khác đấy”, “Cửa hàng nên xóa hóa đơn sẽ hay hơn”... là một số bình luận.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, việc đăng tải thông tin của Lisa có thể gây rối loạn trật tự, kích động fan “cuồng” kéo đến, từ đó ảnh hưởng đến an toàn của Lisa và những người xung quanh. Trước sự phản ứng từ dư luận, cửa hàng này đã xóa hình ảnh hóa đơn mua sắm được cho là của Lisa. Phía nữ thần tượng vẫn chưa có bất kỳ động thái gì trên mạng xã hội về chuyến du lịch tại Việt Nam.
Người hâm mộ đổ về cửa khách sạn nơi BlackPink nghỉ ngơi trong thời điểm diễn ra hai đêm concert tại Hà Nội |
Trước đó, khi nhóm nhạc BlackPink đến Hà Nội tổ chức đêm nhạc, thông tin về nơi ở của bốn cô gái xứ kim chi bị lộ khiến hàng nghìn người đổ về cổng khách sạn. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông cũng như trật tự công cộng. Thời điểm đó, lực lượng an ninh phải nỗ lực để giải tán đám đông. Bám đuôi, xâm phạm cuộc sống riêng của thần tượng được cho là những hành động của fan “cuồng”.
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng, trạng thái “cuồng” thần tượng của giới trẻ ngày nay được thể hiện về mặt tâm lý, tình cảm, nhận thức, hành vi, ứng xử… ở nhiều cấp độ trong các bối cảnh khác nhau. Thực tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam cho rằng, việc chạy đua theo những thần tượng Hàn Quốc là cách để thể hiện bản thân, những ai không theo trào lưu này bị cho là quê mùa và không nhạy bén với thời cuộc.
Không phải cứ “đu” thần tượng là xấu
Việc chi cả chục triệu đồng để “đu” idol (thần tượng) là đề tài gây nhiều tranh cãi. Không ít người cho rằng, những người “đu” idol chính là “fan cuồng”, độc hại, lãng phí tiền của, chỉ chạy theo trào lưu. Thực tế, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam cũng hâm mộ những nhóm nhạc nước ngoài và lấy họ là động lực để cố gắng mỗi ngày. MC Trần Ngọc được biết đến là người hâm mộ trung thành của nhóm nhạc DBSK (Hàn Quốc). Nữ ca sĩ Suni Hạ Linh từng thừa nhận nhờ có BTS nên mới vui vẻ cởi mở. Cô cho rằng, nhạc của BTS luôn mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người nghe nên khi tìm đến BTS, cô luôn cảm thấy vui vẻ. Ngoài ra, có thể kể đến Đức Phúc, Erik, Thiều Bảo Trâm, Amee… đều là fan hâm mộ của nhóm nhạc BlackPink.
Văn hoá thần tượng lành mạnh
Văn hóa thần tượng trở thành một hiện tượng văn hóa, xã hội. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, người hâm mộ ngày càng dễ dàng để có cơ hội tiếp cận thần tượng.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, thần tượng có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người hâm mộ. Họ có thể truyền tải các giá trị, ý tưởng và thông điệp cho người hâm mộ, có khả năng tác động đến niềm tin và hành vi của họ.
“Ở Việt Nam, văn hóa thần tượng rất phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là sự hâm mộ ngôi sao ca nhạc, điện ảnh nước ngoài trong đó phải kể đến Hàn Quốc. Nghệ sĩ Hàn Quốc thường có hình ảnh được xây dựng cẩn thận và chuyên nghiệp. Họ trang điểm công phu và chọn trang phục theo phong cách riêng để tạo ra sự thu hút và gợi niềm tin từ phía người hâm mộ”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.
Hình tượng thần tượng ngày càng hoàn mỹ, ngày càng xuất sắc cũng tạo động lực cho người hâm mộ hoàn thiện bản thân và trở nên tốt hơn, tuy nhiên, sự hâm mộ thái quá sẽ mang lại một số hệ lụy tiêu cực. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc hâm mộ quá mức một ngôi sao nào đó có thể gây áp lực và căng thẳng tâm lý cho chính người hâm mộ. Bởi cảm giác không thể đạt được mức độ hoàn mỹ của thần tượng và sự so sánh bản thân với họ có thể dẫn đến chứng lo âu, tự ti và trầm cảm.
“Hâm mộ quá mức và tổ chức hoạt động fanclub có thể tạo ra sự ganh đua và xung đột trong cộng đồng người hâm mộ. Bạo lực, lăng mạ và hành vi không tôn trọng có thể xuất hiện giữa các nhóm người hâm mộ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến không gian trực tiếp và trực tuyến”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Để xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người hâm mộ về việc hiểu rõ về những mặt tích cực và tiêu cực. “Chúng ta cần xây dựng một môi trường lành mạnh, tổ chức các nhóm người hâm mộ chính thức và các hoạt động cộng đồng để người hâm mộ có thể trao đổi thông tin, chia sẻ sở thích và thúc đẩy tình đồng đội, thay vì gây xung đột. Ngoài ra cần khuyến khích người hâm mộ ôn hòa và tôn trọng quyền riêng tư của nghệ sĩ. Hãy khích lệ cách biểu đạt tích cực và không vi phạm quyền lợi, sự tự do cá nhân của người khác”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.