Đen trắng Trần Đàm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ai vô Thanh Hóa coi! Ca từ ấy cứ như một động thái, một lời mời thân gần với những ai đã đang và sẽ nặng lòng với Xứ Thanh!
Đen trắng Trần Đàm ảnh 1

NSNA Trần Đàm

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Đàm lại có riêng một lời mời tiếp cận một mảng sử bi hùng.

Tỉnh Thanh có 56.299 liệt sĩ, 45.000 thương binh và 4.610 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH). Hiện chỉ còn hơn 100 Bà Mẹ VNAH còn sống. Cuốn sách ảnh Chân dung & Cuộc sống của Trần Đàm (NXB Thanh Hóa mới phát hành) trưng trang trọng nhiều gương mặt trong số những Mẹ ấy!

Nâng tác phẩm tày tặn trĩu tay, thấy quá nể trọng lao động của bậc cao lão Trần Đàm ở tuổi 80 mà còn nối tiếp gia tài 17 cuốn sách ảnh, hơn chục triển lãm ảnh cá nhân và hàng chục Giải thưởng ảnh quốc tế lẫn trong nước.

Lần này, không màu mè. Không hoa hòe hoa sói, chẳng mượn những đủ đầy cùng dư thừa thời kỹ thuật số! Căng mọng cùng nền nã, chắc khừ cùng duyên dáng như điêu khắc, ảnh các Bà Mẹ VNAH của Trần Đàm chỉ hai sắc độ đen và trắng. Các Mẹ VNAH Xứ Thanh như vừa từ một quá vãng lầm lụi tất tả bước ra… Tất cả đều bình thản, tự tin trước nhiếp ảnh gia Trần Đàm, không phải, lúc này ông đã thoắt thành một họa sỹ kiêm điêu khắc gia họp thành NSNA Trần Đàm!

Đen trắng Trần Đàm ảnh 2
Đen trắng Trần Đàm ảnh 3
Đen trắng Trần Đàm ảnh 4
Đen trắng Trần Đàm ảnh 5

Vài gương mặt Bà Mẹ VNAH

Mỗi người một vẻ. Chất cao niên như khối tạc như chắt lọc thời gian của mẹ Hoàng Thị Bóp sinh 1919, Mẹ Lê Thị Quên sinh năm 1921 tại phường Hải Nhân thị xã Nghi Sơn. Rồi đột ngột rõ ra khí chất Mường thô ráp của bộ tộc vùng cao của Mẹ Bùi Thị Miện xã Thạch Sơn huyện Thạch Thành, của mẹ Lang Thị Nọong sinh 1922, xã Trí Nang - Lang Chánh, mẹ Quách Thị Trương ở Ngọc Lặc vv…

Nhiều bận ngồi nghe cánh làm nghề ảnh cùng làm tượng kháo nhau là hành nghề vẽ-nặn người già và con gái đẹp là nhẹ gánh. Nhẹ vì hình khối điêu khắc trời đã sẵn bày nhất là những cụ cao niên có khuôn mặt như… điêu khắc rồi cứ thế mà ghi mà khắc giảm tải lao động cho anh ghi hình khắc hình! Nhưng với Trần Đàm thì hình như vậy mà không phải vậy? Biết bao phen, con mắt từng nheo ngắm từ cái thuở vẽ ảnh truyền thần hành nghề tranh cổ động ở Phòng Văn hóa thông tin… Mà những nheo ngắm ấy đâu có được thoải mái xuất thần sáng tác mà phải bộn bề kiêm cái sự đôi hồi tính toán! Bởi đằng sau ống kính máy ảnh những Zennit, Kieb, Pratika, Nikon… từng ảnh bởi phim đen trắng khan hiếm đắt đỏ thời làm phóng viên ảnh cho Báo Thanh Hóa. Trần Đàm biết đối tượng ghi hình như các Mẹ VNAH đây vừa là kiểu chụp chân dung chứng minh thư những là nhìn thẳng, nào là dái tai chúc, sống mũi lõm có nốt ruồi này khác nhưng phải… khác!

Phải khác là thế nào? Phải thế nào mới ra cái chân dung nghệ thuật? Có lẽ một dịp khác bạn đọc sẽ cật vấn NSNA Trần Đàm. Nhưng tôi loáng thoáng biết ngoài những bí quyết nghề phải có cái tâm cùng trí để vượt thoát sự sao chép sao chụp đơn thuần kiểu máy móc. Lại cả sự vượt thoát kiểu bình dân của chất ảnh thông tấn báo chí!

Tôi không có cái may mắn được biết và tiếp cận nhiều những tay máy từng làm nên những colection (bộ sưu tập) ảnh Bà Mẹ VNAH. Lần ấy có duyên được ghé phòng tranh rồi về phòng máy của Trần Hồng tại tư gia. Trần Hồng từng lọt vào mắt xanh của Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tướng Văn giữ rịt lấy Trần Hồng đúng hơn là cái tài truyền thần chân dung của Trần Hồng. Đã đành cảm giác bắt mắt khi thưởng lãm nhiều, rất nhiều hình ảnh các góc độ tướng Giáp thời gian Trần Hồng đeo bám, gần gũi. Nhưng lần ấy tôi bất ngờ được chiêm ngắm sê-ri ảnh các Bà Mẹ VNAH của nghệ sĩ Trần Hồng. Có lẽ chả nên làm cái việc so sánh chất lượng ảnh Bà Mẹ VNAH của tay máy Trần Hồng với NSNA Trần Đàm. Nhưng mỗi tay máy có cái cách riêng để vượt thoát những nếp nhăn răn reo phũ phàng thô bạo của thời gian giăng trên gương mặt các Mẹ để mà hợp sức bầu nên được cái khí chất đằm sâu hiền hậu nhân ái bao dung của Người Mẹ VNAH?

Thấy có chi đó chông chênh thiêu thiếu? Là tất tật chân dung các Mẹ VNAH trong tập hợp tử tế này của Trần Đàm vắng bặt thứ điểm xuyết hình khối bố cục? Nói như thế nào nhỉ nếu như có vài chân dung không phải trực, thẳng mà nghiêng nghiêng hoặc vài khuôn hình van vát cheo chéo của ngôn ngữ hội họa? Vậy nên một tổng thể những nghiêm ngắn cùng nghiêm cẩn vẫn phát lộ mang máng cái gì như chằn chặn, đơn điệu?

Lại có một chút thầm tiếc! Ấy là cái tiếc mọn của anh mần nghề báo. Coi tập sách ảnh chợt nhớ NSNA Trần Đàm có cô con gái đang là một yếu nhân của Báo Thanh Hóa. Yếu nhân gì (nghe đâu là Phó Tổng BT) thì cũng chớ nên quên nghề báo? Ông Trần Đàm trong lộ trình nhọc nhằn lên non xuống bể để tiếp cận để thực thi công việc kiêm sứ mệnh ghi hình các Bà Mẹ VNAH của Xứ Thanh. Có lẽ ông đã thuộc địa chỉ của từng Mẹ? (Đến đây cũng mở cái ngoặc là chân dung các Mẹ VNAH trong cuốn sách của Trần Đàm thiếu hẳn đi địa danh thôn, xóm, bản của các Mẹ mà chỉ có tên xã! Có lẽ những lần tái bản sau thì bổ sung chăng? Để tăng thêm tính thuyết phục nhất là với đám dân có máu phượt, du lịch ham say lịch sử lẫn danh lam thắng cảnh?) Chắc một ngày đẹp trời nào đó ông Trần Đàm sẽ rủ rỉ từng địa chỉ (nếu được một khúc trích ngang lý lịch thì tốt) cho cô con gái của mình biên lại. Trường hợp cô gái rượu có… lười thì chắc cũng sẵn lòng truyền đạt lại những địa chỉ đỏ ấy cho đồng nghiệp của mình! Để làm chi vậy? Trước tiên là phơi ơ tong (phóng sự dài kỳ) trên báo chí xứ Thanh. Rồi gom nhặt khéo thì sẽ có một cuốn tày tặn với chi chép sinh động cấu thành nên chuyện về các Bà Mẹ VNAH lấy từ cuốn sách ảnh của NSNA Trần Đàm! Tại sao không? Đấy là chưa nói đến việc ăn theo của cái anh truyền hình?

Bao nhiêu là địa danh lịch sử, văn hóa. Có danh, có tên tuổi. Dưng mà có lẽ chưa phát lộ hết? Ngôn ngữ văn chương báo chí ở một góc độ nào đó có gì như hụt hơi so với ngôn ngữ tiếng nói của phim ảnh? Những địa danh quê quán Hoằng Trường ới dô trên đất này có cụ già bắn rơi máy bay… có quá ít những người kể chuyện bằng hình ảnh? Rồi Bà Triệu? Cụ quê quán một nơi. Dấy binh một nơi và địa điểm tuẫn tiết cũng một nơi khác? Rồi danh nhân Đào Cam Mộc mà chính sử từng rành rẽ là không có Đào Cam Mộc thì không có đức vua Lý Thái Tổ. Cái quê cha và quê mẹ danh sĩ họ Đào ấy ở Chàng Lang (Yên Định) và Yên Trung lại không có chi để ghi hình hay sao? Cũng ở Yên Định quê nhà cùng trại ấp của tướng công Ngô từ, tướng tâm phúc của Bình Định Vương Lê Lợi thân sinh ra hoa hậu Ngô Thị Ngọc Dao sau này là thân mẫu của vua Lê Thái Tông chưa có bộ ảnh nào ra hồn? Hàng trăm địa danh sử đang còn để khuyết lẫn trống? Làng cổ Đông Sơn nơi tìm ra cái trống đồng mà dựng nên cả nền văn minh Đông Sơn? Và nữa, Hàm Rồng ngay kia thôi, còn tiềm ẩn bao góc khuất lịch sử văn chương chưa phát lộ? Tôi tin rằng những ngón nghề ảnh nghệ thuật, thông tấn lẫn các… tay chơi ảnh sẽ hiệp sức làm nên một cái gì đó? Chả hạn như Ban quản lý Thành Nhà Hồ có lần trưng hàng trăm bức ảnh của bạn đọc của dân du lịch chụp Thành Hồ với nhiều góc độ cùng cảm xúc khác nhau từng gây được tiếng vang khá xa đó thôi? Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Xứ Thanh có tiếng rồi phải có nhiều miếng ngon, miếng lạ? Tay máy Trần Đàm từng trĩu nặng mấy tập sách ảnh cùng thơ văn chắc chửa làm cái động thái xoa tay xong việc? Chắc cụ ở tuổi bát tuần vẫn tiếp tục lây lan những tử tế tâm huyết lẫn ngón nghề? NSNA Phạm Công Thắng có lẽ chớ vội ngoặt hẳn sang một Lối rẽ (tên một tác phẩm văn chương mới xuất bản) mà nên năng đi về chốn Xứ Thanh để động viên truyền sức cho cái sự ảnh quê nhà thêm sống động?

Cũng lẩn thẩn nghĩ thêm, cái chất bầu nên dựng nên cái danh Nghệ sĩ nhiếp ảnh có lẽ chả phải cứ khổ công và mải mốt cái việc đốt phim (ngày trước) và miệt mài xóa xóa bấm bấm trên máy kỹ thuật số bây giờ cùng những tập bạc chi dùng cho việc in ảnh. Và cũng chả phải cái việc đập phá hàng chục đời máy ảnh! Mà cứ như là tự nhiên ngẫu hứng cứ giời cho, giời khiến vậy? Như tôi biết lão bạn già Huỳnh Ngọc Chênh cựu PV Báo Thanh Niên. Có thể do hoàn cảnh, do nhà có điều kiện (?) lão này về già tự dưng nảy nòi và phát lộ ra cái tài chụp ảnh nghệ thuật. Không phải người hay phong cảnh mà là chuyên chim! Không phải chim thường mà chim trong sách đỏ hoặc giống chim quý chưa kịp đưa vô sách? Những Mỏ Rộng xanh, những Hút Mật Họng Nâu, những Sả Vằn vv…Tiếp cận những giống loài ấy trên mạng, trên Fb của lão cái cảm giác ngẩn ngơ bần thần bất chợt ùa về. Rằng chỉ có thể là thiên tạo là giời cho giời vẽ thì mới đạt đạo kiểu dáng lẫn hòa sắc ma mị nhường ấy. Mà trước vẻ kỳ vĩ thiên tạo ấy, cái giống người dẫu cho là tài khéo cỡ nào cũng chỉ ngay đờ ra mà xuýt xoa! Mà ngay trên đất nước mình thôi. Ở rừng quốc gia Bạch Mã. Tại đỉnh non Ba Vì, Tam Đảo ở vùng Tây Bắc… Mà lão bỏ ngoài tai những thúc giục gấp gáp lẫn ấm áp rằng, tại sao không in thành sách? Mà nữa lão chả giấu nghề. Bạn đọc, ối người rón rén cùng thô bạo gạ, tra lão rằng khi chụp giống chim quý ấy dùng máy ảnh loại gì? Ống kính cùng tiêu cự là bao nhiêu? Lão hào phóng khai ra tất tật trên FB. Học theo lão bày, hoay hoay cùng là tất tả, hình như kết cục các ảnh chả nên cơm cháo gì? Tôi đồ rằng cũng có cái gọi là bí quyết? Nhưng như đám teen bây giờ ưa dùng cụm từ ảnh có tâm. Tâm? Tôi đồ rằng tâm chỉ là chất liệu kết dính cái tài cộng với cái tầm làm nên thứ hiệu ứng của sự thành công của cái nghề giời đày: Nghệ sĩ nhiếp ảnh!

Trở lại với Trần Đàm, có vẻ chả ngại sợ sái mà nói rằng, có vẻ giời đã cho Trần Đàm chút tài với cả chút tâm để lộ trình lao động nhọc nhằn bầu nên cái tầm NSNA Trần Đàm của xứ Thanh quê choa?

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.