Xưởng lắp ráp máy bay Boeing ở thành phố Saetle (Mỹ) to như sân vận động.. |
Trong chuyến thăm nước Mỹ vừa qua tôi có dịp đi được một vài nơi, được ở cùng với gia đình người Mỹ. Trước tôi đã có rất nhiều người đến Mỹ, ở Mỹ và nhiều người đã viết bài về nước Mỹ. Mỗi người có cảm nhận và nhìn với các góc độ khác nhau. Với những gì tôi thấy, tôi nghe và lượm lặt qua một chuyến đi ngắn, hy vọng hầu chuyện bạn đọc một vài điều để biết thêm về nước Mỹ.
Trong chương trình giao lưu tại thành phố Seattle - thành phố thương cảng (hàng hải, hàng không) lớn vào hạng bậc nhất Biển Tây nói riêng và nước Mỹ nói chung - thuộc bang Washington (Washington States) chúng tôi rất tiếc không được đến thăm hãng máy tính nổi tiếng Microsoft do hạn chế về thời gian. Thôi thì đi thăm cở sở sảng xuất của gã khổng lồ Boeing ở bang này (Trụ sở chính của Boeing ở Chicago, bang Illinois) cũng gỡ lại được phần nào sự tham lam của kẻ ham biết.
Ấn tượng ban đầu
Đúng 9 giờ sáng, Kenvin Heise – Giám đốc tiếp thị và bán hàng cho châu Á của Tập đoàn Boeing đón chúng tôi tại chiếc cửa kính lớn để vào thăm hãng. Trước đó, trong lúc chờ đợi tôi tranh thủ phóng tầm mắt quan sát. Khó có thể lượng được tập đoàn chiếm cứ một vùng đất rộng bao nhiêu héc ta. Xa tít về phía mặt trời mọc là những dãy máy bay xếp hàng ngay ngắn sáng lấp lánh dưới ánh nắng hoe vàng.
Đối diện với cửa ra vào - bên kia đường nhựa nội bộ - là một khoảnh khuôn viên cây xanh mướt có mấy dãy ghế băng để công nhân ngồi nghỉ. Cạnh đó chắc là dãy nhà ăn to lớn chạy dài song song với khuôn viên. Các bãi cỏ được xén xanh mát chen thấp thoáng cây xanh bao quanh các dãy nhà xưởng.
Một chiếc Boeing đang được đắp da đắp thịt. |
Kenvin Heise là một người Mỹ điển hình. Cao lớn, tóc màu trắng (không phải bạc trắng), nét mặt rắn rỏi, nụ cười tươi dễ mến. Ông khoe rằng đã sang công tác ở Việt Nam 2 lần. Năm 2011 sẽ lại sang thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam thực hiện một công vụ gì đó.
Ông nói ông rất thích phong cảnh của Việt Nam và mến người. Việt Nam thân thiện, cởi mở. Ông đánh giá Việt Nam là khách hàng tiềm năng của tập đoàn Boeing trong những năm tới trên đà dự báo tăng trưởng của hàng không thế giới.
Trong lúc ngài Kenvin thuyết trình ngắn về hãng Boeing trước cổng chính. Tôi liếc nhìn trên cánh cổng kính, bên phải trong hai tấm cửa kính to, dầy lối vào tham quan hãng - có ghi thông báo để khách tham quan biết:
1. Giờ mở cửa: - Sáng 9 giờ đến 11 giờ
- Chiều 15 giờ đến 17 giờ
2. Giá vé: - Người lớn: 15 USD
- Trẻ em: 8 USD
3. Thành viên gia đình của nhân viên làm việc trong hãng Boeing:
- Người lớn: 10 USD
- Trẻ em: 5 USD
Máy bay Boeing đã được lắp ráp xong. |
Khi biết thông tin có đoàn Việt Nam thăm Mỹ, một câu lạc bộ ở Canada đã sang Mỹ gấp gặp đoàn Việt Nam và cùng tham gia các hoạt động tại bang Washington. Các bạn Canada cho biết, tuy ở ngay cạnh nước Mỹ mà cũng chưa bao giờ có cơ hội thăm hãng Boeing nên tỏ ra rất háo hức. Cả hai đoàn ai cũng mang theo máy ảnh, điện thoại di động hiện đại, định bụng sẽ chụp thật nhiều ảnh cho bõ công qua nửa vòng trái đất.
Song thật thất vọng khi ngài Kenvin thông báo rằng các bạn không phải nộp máy ảnh cho bảo vệ, song mong các bạn vui lòng không chụp ảnh khi đã vào xưởng tham quan (vì vậy sau khi tham quan mấy anh chị em tranh thủ chụp vài tấm hình qua kính xe buýt, những chiếc máy bay đã lắp ráp xong đậu trên sân bãi nên không có được những bức ảnh cận cảnh chiếc Boeing 787 Giấc mơ. Đó cũng là lý do khiến trong bài báo này chúng tôi phải lấy những ảnh lắp ráp Boeing trên mạng Internet, mong được sự lượng thứ của bạn đọc).
Ngài Kevin Heise (giữa) hướng dẫn du khách thăm cơ sở Boeing ở Seatle. Ảnh: Đinh Đức Cẩn. |
Trong xưởng
Đứng trong nhà lắp ráp máy bay rộng như sân đá bóng và mái cao vút, con người cảm thấy thật nhỏ bé. Mỗi người được phát kính bảo hộ gọng trắng, hai mắt kính to ôm gần hết khuôn mặt có chữ China - chắc đặt hàng Trung Quốc sản xuất. Hai bên là 6 chiếc Boeing (mỗi bên 3 chiếc) khổng lồ đang lắp ráp dở, về cơ bản đã ráp kín thân máy bay. Giữa 2 dẫy là lối dắt máy bay đã lắp xong ra bãi đỗ ngoài trời.
Phía cao trên chiếc cửa khổng lồ đưa máy bay ra bãi là một màn hình điện tử rộng hiển thị thông báo về tình trạng lắp ráp của từng máy bay trong xưởng và ngày xuất xưởng.
Trên tầng 2 là các dãy phòng lắp ráp các bộ phận vừa và nhỏ, các chi tiết. Một sàn rộng có nhiều trăm người đang làm việc – mỗi người có một máy vi tính trước mặt trên chiếc bàn nhỏ kê san sát gần nhau. Có người chắc quá mệt ngả đầu trên ghế tựa đang say sưa giấc nồng. Họ là những kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, giám đốc phụ trách các mảng công việc đang điều hành theo kế hoạch đã được lập trình.
Kenvin Heise cho hay, hàng ngày có 15.000 người làm việc tại cơ sở này của Boeing, trong đó 10.000 người làm việc trực tiếp. Trước đây lắp loại Boeing 747 phải mất 6 tuần mới xong. Nhưng nay đã có bước cải tiến, tự động hóa, bố trí công đoạn hợp lý và chuyên môn hóa rất cao. Hiện nay các mảng lớn được lắp ráp ở nơi khác, khi mang về công xưởng này chỉ 6 - 7 ngày là lắp xong một máy bay 777 hay 787.
Ông chỉ cho chúng tôi xem thế hệ máy bay mới 787 - Boeing Giấc mơ (Dream) đã xong mấy chiếc nhưng chưa bay thử nghiệm. Hiện mới có Nhật Bản đặt hàng mấy chiếc và yêu cầu trang trí nội thất theo ý của họ.
Tôi hỏi Kenvin Heise liệu có ai dám mua một chiếc Boeing cho riêng mình? Đã có rồi đấy. Rồi ông cười hóm hỉnh – Chỉ có đám ở Trung Đông trời cho dầu chảy như suối mới dám mua.
Tôi tò mò hỏi ông, liệu vàng có được sử dụng trong máy bay nhiều không? Tôi nghe nói, ở Việt Nam những người săn phế liệu vượt rừng, vượt núi tìm xác máy bay Mỹ rơi trong chiến tranh để tìm vàng? Ông cười. Ít lắm. Hầu như không đáng kể. Thế còn Ti tan? Cũng không nhiều. Chỉ 10%.
Trong trò chuyện với Kevin tôi được biết trọng lượng của 1 chiếc Boeing đã trên 100 tấn. Nếu tải đủ trọng lượng bay là 250 tấn.
Suy ngẫm
Để ra được một chiếc Boeing có mấy chục nước tham gia sản xuất các bộ phận, chi tiết to nhỏ. Với nhu cầu của hàng không các nước và uy tín của hãng, những năm gần đây Boeing xuất xưởng 500 - 600 máy bay mỗi năm.
Giá chào hàng Boeing là 200 triệu đô la mỗi chiếc. Tôi nhẩm tính: Chỉ cần bán 10 máy bay (2 tỷ đô la) đã bằng cả xuất khẩu lúa gạo mỗi năm của Việt Nam – thành quả của mấy chục triệu nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời suốt năm. Còn bão lụt hạn hán, mất mùa, rớt giá - lời lãi chẳng được bao nhiêu? Thế mới thấy sức mạnh kinh tế của nền công nghệ cao, kinh tế tri thức.
Khi ra khỏi xưởng lắp ráp máy bay, tôi đếm trên bãi đỗ có chừng trên 30 máy bay đang chờ khách đến lấy. Trên thân máy bay là tên hãng và tên các quốc gia đặt hàng: Thổ Nhĩ Kỳ, Tuốcmênistan, Ai Cập, Nhật Bản… Những con chim sắt khổng lồ đang lơ mơ ngủ, một ngày nào đó bừng tỉnh vút lên không gian nối tình người giữa các châu lục. Có cả 2 - 3 chiếc Boeing giấc mơ (Dream) lừng lững bên các loại máy bay khác.Có một chiếc cửa vẫn mở, có người lên xuống đang sửa chữa gì đó.
Trong hành lý trở về Việt Nam tôi có hai vật kỷ niệm của hãng. Một mô hình máy bay Boeing giấc mơ 787 rất đẹp gắn trên bệ, mũi máy bay chếch lên một góc chừng 40 độ như đang cất cánh. Một vật nữa là hai chiếc kính bảo hộ to đùng sẽ tiện dụng trong đi xe máy ở thành phố quê mình quá ô nhiễm và bụi bặm.
Trên đường về, tôi cứ ngẫm ngợi mãi. Chỉ hai hãng khổng lồ Boeing và Microsoft đã có doanh thu hơn 100 tỷ đô la/năm, tương đương với giá trị của hơn 80 triệu dân mình làm ra. Đất nước mình phải làm gì để vươn lên, rút ngắn khoảng cách, để bám đuổi?
Boeing là hãng máy bay được thành lập năm 1916 và từ năm 1917 có tên như hiện nay. Hãng thành lập ở Seatle, bang Washington, nhưng hiện trụ sở chính đặt tại Chicago, bang Illinois. Sản phẩm gồm máy bay thương mại và quân sự, đạn dược và tàu vũ trụ. Tổng số nhân viên 152.000 người (2005) và doanh thu 52,45 tỷ USD (2004). |