> Không cam kết nào không thực hiện mà lại nói là lâu dài được!
Không phải khán giả nào cũng thích vừa xem phim vừa đọc phụ đề
“100% kênh truyền hình nước ngoài phải được Việt hóa”
Kênh nước ngoài đặc biệt là các kênh giải trí như HBO, StarMovies, StarWorld … luôn được khán giả Việt yêu thích.
Vậy nên mới có chuyện cuối năm 2011, một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ sau khi cắt các kênh quốc tế được ưa chuộng.
Tuy nhiên, không ít người lớn tuổi phàn nàn rằng các kênh quốc tế “xì xồ” tiếng nước ngoài suốt cả ngày, nếu có phụ đề thì chữ chạy quá nhanh, người xem chưa kịp đọc, chữ đã chạy mất.
Cũng không ít bậc phụ huynh lo ngại vì gần như các kênh thiếu nhi đều được phát tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Trung…
Theo Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 20/2011/QĐ-TTg, trong vòng 1 năm kể từ 15-5-2011, tất cả các kênh truyền hình trả tiền của nước ngoài phát tại Việt Nam phải được biên tập, biên dịch bởi một đại lý trong nước. Với các hình thức như phụ đề, thuyết minh, lồng tiếng.
Phụ đề là hình thức Việt hóa được các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng nhiều nhất, dù chưa tối ưu. Không chỉ khán giả lớn tuổi và trẻ nhỏ gặp vấn đề với các dòng chữ chạy liên tục, mà người xem thông thường cũng dễ bỏ sót hình ảnh hoặc nội dung khi chăm chăm đọc phụ đề.
Lồng tiếng và thuyết minh không chỉ khắc phục những điểm này mà còn góp phần bảo tồn tiếng Việt, văn hóa Việt.
Đến nay, duy chỉ có AVG - Truyền hình An Viên thực hiện thuyết minh lồng tiếng trên 3 kênh quốc tế HBO, StarMovies và National Geographic Channel (NGC). Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác vẫn chưa mặn mà với xu hướng này.
Lộ trình đã có, sao chưa theo?
Khó khăn đầu tiên nhà cung cấp gặp phải đó là đàm phán với các nhà cung cấp kênh. Để có được quyền lợi thuyết minh, lồng tiếng, thường họ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của đơn vị cung cấp kênh như giọng đọc, chất lượng âm thanh…
Vấn đề thứ hai là chi phí. Nếu dùng phụ đề, nhà cung cấp dịch vụ nghiễm nhiên không mất chi phí. Với thuyết minh lồng tiếng, nhà cung cấp sẽ phải có một đội ngũ diễn viên lồng tiếng thuyết minh riêng, hoặc thuê các công ty chuyên nghiệp đảm nhiệm việc này.
Chi phí thuyết minh mỗi phim truyện nước ngoài 120 phút trên HBO có thể lên tới 10 - 12 triệu đồng. Mỗi tháng, HBO chỉ chiếu 10 phim mới, nhà đài phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thực hiện việc Việt hóa này.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc AVG - Truyền hình An Viên cho biết: “Việc đầu tư thuyết minh các kênh quốc tế rất tốn kém, mất thời gian. Vì muốn đem đến cho người xem sự thoải mái, AVG quyết tâm đầu tư. Thêm nữa, không phải đơn vị nào muốn cũng được. Họ phải được phép từ nhà cung cấp kênh quốc tế.
Với lộ trình Việt hóa các kênh nước ngoài, xu hướng thuyết minh lồng tiếng được dự báo sẽ nở rộ trong những năm tới. Lợi ích trước nhất của người xem là được nghe tiếng mẹ đẻ trên những kênh nổi tiếng của nước ngoài - điều cách đây đôi ba năm vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
Điều 13.2 của Quyết định 20/2011/QĐ-TTg, qui định như sau: a) Đối với kênh phim truyện: Biên dịch 100% nội dung kênh chương trình. b) Đối với kênh tin tức: Lược dịch 100% nội dung; c) Đối với kênh khoa học, giáo dục: Biên dịch 100% nội dung; d) Đối với kênh tổng hợp, kênh giải trí tổng hợp, kênh thể thao, ca nhạc: Biên dịch 100% tin tức, phóng sự, tài liệu. |