Vào 22 giờ tối nay (11/9), tâm bão ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Tại trạm đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật cấp 8. Dung Quất (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trà Câu (Quảng Ngãi) gió có giật cấp 7. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định. Đến 4 giờ ngày 12/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão Côn Sơn, đêm nay và sáng mai (12/9), vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, khu vực sâu trong đất liền các tỉnh trên có gió giật cấp 7.
Cũng do ảnh hưởng của bão, đêm nay và ngày mai (12/9), các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Các tỉnh Bình Định và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.
Bão Côn Sơn tiếp tục quần thảo các tỉnh Trung Trung Bộ trong đêm nay và sáng mai, đặc biệt là các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. |
Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài bởi hoàn lưu bão Côn Sơn nên sông suối các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ.
Trong đó, lũ tập trung chính ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1 đến báo động 2 và trên báo động 2. Lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị nhỏ hơn, ở mức báo động 1 và trên báo động 1. Riêng trên một số sông suối nhỏ có khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ.
Theo ông Dũng, dù đỉnh lũ các sông chính không phải quá lớn nhưng do mưa bão dồn dập thời gian ngắn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Cũng do mưa lớn, ngập lụt cục bộ vùng đồng bằng các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi diễn ra diện rộng, người dân cần lưu ý phòng tránh.
Nguy cơ ngập lụt cục bộ có thể xuất hiện tai 40 huyện ở miền Trung. Cụ thể ở Hà Tĩnh gồm TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Quảng Bình gồm Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, TP Đồng Hới, TX Ba Đồn. Quảng Trị gồm Hướng Hóa, Đắk Rông, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, TP Đông Hà, TX Quảng Trị. Thừa Thiên Huế gồm A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, TP Huế, Phú Lộc, Quảng Điền. Đà Nẵng gồm TP Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Vang. Quảng Nam gồm TP Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An. Quảng Ngãi gồm Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao ở các huyện Hương Thủy, A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà của Thừa Thiên Huế. Các huyện Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn (Phước Hòa, Phước Thành, Phước Công, Phước Kim), Nam Trà My (Trà Vân), Bắc Trà My (Trà Bùi, Trà Nú), Quế Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc (Đại Hồng) của Quảng Nam. Các huyện Trà Bồng, Tây Trà Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long của Quảng Ngãi. Các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông của Quảng Trị.