Đề xuất TP.HCM sẽ là 'đô thị 15 phút'

0:00 / 0:00
0:00
Để phát triển TP.HCM thành TP hợp lưu, một yêu cầu quan trọng là khái niệm 'đô thị 15 phút', tức trong vòng 15 phút người dân phải tiếp cận được tiện ích, doanh nghiệp, du khách phải tiếp cận được sân bay - cảng biển…

Liên danh tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam và Công ty TNHH Không Gian Xanh, Công ty EnCity vừa có báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi UBND TP. Trong báo cáo này có nội dung đáng chú ý đó là đề xuất phát triển TP.HCM thành TP hợp lưu.

TP là điểm hợp lưu của các hệ sinh thái

“TP.HCM nằm ở điểm chuyển tiếp giữa các hệ sinh thái là vùng rừng núi ở phía đông bắc và vùng đồng bằng thấp ở phía tây nam, giữa là vùng thượng nguồn cao ráo phía bắc sông Sài Gòn với vùng rừng ngập mặn phía nam ở Cần Giờ” - liên danh tư vấn nêu trong báo cáo. Và với vị trí quan trọng về hệ sinh thái như vậy, liên danh tư vấn cho rằng TP.HCM phải đóng vai trò là điểm kết nối giữa các vùng sinh thái, vừa là lớp đệm “bọt biển” tự nhiên để điều hòa các dòng chảy như lũ từ thượng nguồn chảy xuống, nước biển dâng và mưa trên trời đổ xuống.

Đề xuất TP.HCM sẽ là 'đô thị 15 phút' ảnh 1
TP.HCM phát triển đô thị gắn với sông nước. Ảnh minh họa: KC

Vì vậy, liên danh tư vấn đề xuất TP.HCM phát triển thành TP hợp lưu. Trong đó, xác định khung sinh thái và hạ tầng xanh và xây dựng mô hình đô thị sinh thái đậm bản sắc sông nước. TP.HCM cũng đóng vai trò hợp lưu sinh thái toàn vùng thông qua việc hồi sinh các dòng kênh và duy trì các vùng đệm xanh ven các sông lớn để hoạt động như các tuyến kết nối sinh thái.

Bên cạnh đó, TP cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp dọc theo một số con sông, kênh chính như kênh Tẻ, sông Đồng Nai về phía nam TP Thủ Đức (Cát Lát - Phú Hữu) và Hiệp Phước (Nhà Bè). Đồng thời, hình thành các công viên điều tiết nước trong đê bao đô thị trung tâm và các khu vực ngập nước bên ngoài.

Liên danh tư vấn cũng đề xuất TP cần phát triển đô thị hòa quyện với sông nước, gắn các trọng điểm đô thị với các điểm hợp lưu sinh thái. Tương ứng với đó, TP sẽ có sáu đô thị biểu tượng ở các quận, huyện gồm Nhà Bè; Tân Kiên (Bình Chánh); Tân Phú - Tân Hiệp (Hóc Môn - Củ Chi); Thủ Thiêm, Thanh Đa - Trường Thọ; Long Phước (TP Thủ Đức).

“Đô thị 15 phút” với 24 trung tâm việc làm

“TP hợp lưu sẽ hội tụ nhân lực từ mọi nơi thông qua mở rộng đô thị, đa dạng sử dụng đất, nhà ở phù hợp với thu nhập và đa dạng sinh kế với các trung tâm việc làm cách nhau 5 km” - báo cáo nêu.

Cụ thể, mỗi một trung tâm sẽ là tụ điểm của một vùng lưu vực sống đảm bảo chỉ trong 15 phút, mọi người dân được tiếp cận đến mọi dịch vụ và tiện ích trong cuộc sống, liên danh tư vấn phân tích.

Liên danh tư vấn đề xuất 24 trung tâm việc làm được phân bổ ở bốn khu vực. Khu vực thứ nhất là trong vòng 5 km tính từ lõi của TP.HCM, nơi đây sẽ có hai trung tâm việc làm; thứ hai là vành đai với bán kính 5-10 km, có năm trung tâm việc làm; tương tự khu vực thứ ba là các cửa ngõ trong bán kính 10-20 km, có 13 trung tâm việc làm và khu vực ngoại vi trong bán kính 20 km có bốn trung tâm việc làm.

TP.HCM phát triển thành TP hợp lưu. Trong đó, xác định khung sinh thái, hạ tầng xanh và xây dựng mô hình đô thị sinh thái đậm bản sắc sông nước.

Để phát triển được các trung tâm việc làm như vậy thì TP cần hội tụ các doanh nghiệp thông qua việc hình thành các trọng điểm phát triển tại các điểm giao thông công cộng (TOD), nhất là các trung tâm kết nối với đường sắt vùng và quốc gia. Mạng lưới đường sắt vùng và quốc gia phải đáp ứng kết nối hiệu quả các trung tâm dịch vụ trong thời gian di chuyển 15 phút, đảm bảo 70% dân số hiện tại kết nối dễ dàng phương tiện giao thông công cộng trong thời gian 10 phút đi bộ.

“TP.HCM cũng cần củng cố hệ thống đường sắt và hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị để tăng tính kết nối, đảm bảo kết nối hiệu quả giữa cửa ngõ phía đông và phía tây (giữa ga Tân Kiên và ga Thủ Thiêm)” - báo cáo đề nghị.

Liên danh tư vấn cũng đề xuất nối dài đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào trong trung tâm TP để tăng cường khả năng kết nối về phía bắc, đồng thời tạo thêm cơ hội phát triển, bổ sung kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 4 cho khu vực cảng trung chuyển Cần Giờ.

Về đường sắt, liên danh tư vấn đề xuất làm thêm tuyến đường sắt liên vùng Sài Gòn - Cần Thơ, kéo dài tuyến metro số 1 kết nối Bình Dương, Biên Hòa, đoạn kéo dài của tuyến metro số 2 chuyển hướng đi về Khu công nghiệp Đông Nam - Củ Chi kết nối đến TP Thủ Dầu Một - Bình Dương…•

Kinh nghiệm trên thế giới

TP Almere (Hà Lan): Mô hình phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt và sụt lún. Để phát triển đô thị trên một vùng có địa hình thấp và có tình trạng sụt lún, các giải pháp được áp dụng như dành nhiều diện tích mặt nước lớn và kết nối bởi hệ thống kênh đào để đảm bảo tiêu thoát, giữ ướt nền đất, cấp nước cho hệ thống nước ngầm. Xây dựng hệ thống cống ngầm có chức năng kiểm soát mực nước ngầm, xây dựng công trình trên cọc và công trình nổi, thiết kế mạng hạ tầng đường bộ cho phép dễ dàng tôn nền khi bị sụt lún.

Singapore: Mô hình phân bố các trung tâm việc làm. Cấu trúc đô thị của Singapore được xác định bởi khu trung tâm TP (CBD), ba trung tâm vùng và nhiều điểm công nghiệp cũng như khu kinh doanh xung quanh trung tâm TP và trung tâm vùng này. Xung quanh trung tâm TP và mỗi trung tâm khu vực, các nút việc làm thứ cấp được tìm thấy trong bán kính 5 km.

Tokyo (Nhật Bản): Trung tâm TP Tokyo bao gồm một trung tâm TP và ba trung tâm phụ cách nhau 5 km. Các trung tâm phụ đóng vai trò là trung tâm việc làm và thương mại.

(Theo báo cáo đầu kỳ của liên danh tư vấn)

Theo Pháp luật TPHCM
MỚI - NÓNG