Khẳng định, điều chỉnh lại phân vùng là hợp lý, song ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc phân vùng theo đề xuất của Bộ KH&ĐT mới chỉ để thực hiện theo Luật Quy hoạch, chứ chưa tính đến các yếu tố khác.
Điều đáng nói là ngay cả phương án phân vùng thứ 2, vốn có nhiều điểm nổi bật thì cũng còn tồn tại nhiều vấn đề, chưa tính đến các vùng đặc thù.
“Trước đây, các vùng kinh tế Hà Nội, vùng kinh tế TPHCM là đặc thù. Nhưng hiện nay, chỉ đưa thành vùng kinh tế bình thường như các vùng khác thì làm sao trở thành động lực phát triển được”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, vùng Thủ đô lâu nay vẫn được coi là động lực phát triển phía Bắc, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế của cả nước. Thế nhưng lần này Bộ KH&ĐT đề xuất lấy thêm các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình vào vùng Đồng bằng sông Hồng, tức là vùng Thủ đô mới thành 15 tỉnh.
“Vùng động lực cho phát triển thì cần phải có quy mô hợp lý, chứ không thể quá lớn như theo đề xuất gồm 15 tỉnh, thành phố được", ông Nghiêm nói.
Về cơ chế quản lý vùng, ông Nghiêm cho rằng, nếu cứ duy trì cách làm cũ, tức là mỗi chủ tịch tỉnh luân phiên thay nhau làm chủ tịch vùng thì không tạo ra được bước đột phá. Từ bài học về vùng Thủ đô, theo ông Nghiêm, cần thành lập Hội đồng Quản lý vùng, và phải có văn phòng để kết nối với nhau.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng vùng nên giao cho một thành viên Chính phủ, như phó thủ tướng đảm nhận… “Do cơ chế vùng hiện nay không có quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên Chính phủ có thể đề xuất cơ chế thí điểm, hoặc trình Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm. Có như thế mới tạo ra sự đột phá, bảo đảm tính liên kết, hoạt động có hiệu quả của vùng”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, cùng với việc lập Hội đồng vùng, cũng cần phải có quỹ phát triển vùng, trích từ ngân sách, chứ không thể cứ phụ thuộc vào ngân sách tỉnh.