Bộ Công Thương cho biết, đã 2 lần xin ý kiến các bộ, ngành. Trong đó, có 6 bộ (Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nội vụ, Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Công Thương) ủng hộ phương án 1 được đưa ra trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi). Cụ thể là giữ nguyên công thức giá cơ sở như hiện hành nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp như quy định về premium trong nước, hao hụt, chi phí dự trữ lưu thông và quy định sửa đổi về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đủ, kịp thời trong giá cơ sở.
Thị trường xăng dầu cần được vận hành ổn định. Ảnh: Như Ý |
Bộ này cũng cho biết, có 4 bộ (Quốc phòng, Giao thông Vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch) chọn phương án 2 và 10 bộ ngành không có ý kiến cụ thể về lựa chọn các phương án. Theo phương án 2, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, các loại thuế, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Doanh nghiệp đầu mối căn cứ chi phí thực tế của mình để tự xác định và tự công bố giá bán lẻ, đồng thời báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Từ ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn điều hành xăng dầu theo phương án 1 do có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, để giá phù hợp với diễn biến thị trường, thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng dầu sẽ giảm từ 6 tháng như hiện nay rút xuống còn 3 tháng. Cùng với đó, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, thời gian điều hành giá sẽ rút từ 10 ngày còn 7 ngày và công bố cố định vào ngày thứ Năm hằng tuần.
Bộ này cũng cho biết, việc cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu. Một đề xuất mới được đưa ra sẽ là bỏ loại hình tổng đại lý xăng dầu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay đồng thời không bổ sung loại hình thương nhân bán lẻ xăng dầu độc lập như đề xuất của nhiều doanh nghiệp.
Cần triệt tận gốc lỗ hổng trong quy định
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai - cho biết, việc đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu năm 2022 và diễn biến bất thường của thị trường đầu năm 2023 vừa qua cho thấy rất nhiều bất ổn trong điều hành. Những bất cập chính khiến thị trường xăng dầu rối loạn do có những quy định không hợp lý trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu khiến các thương nhân phân phối và doanh nghiệp (DN) bán lẻ bị thua lỗ nặng nề. Vì vậy, để sửa triệt để các lỗ hổng trong nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý cần đối thoại trực tiếp và lắng nghe những ý kiến đầy đủ từ các doanh nghiệp trong mọi tầng nấc kinh doanh xăng dầu hiện tại.
Theo ông Phụng, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, các cơ quan quản lý phải lường được rằng, việc càng thu hẹp khoảng thời gian điều chỉnh giá không hề giúp giá bán bám sát diễn biến thị trường như kỳ vọng, mà sẽ kéo theo tình trạng đại lý lấy hàng nhỏ giọt. Việc này sẽ làm giảm quy mô kinh doanh và đặc biệt là gây khó khăn cho các đầu mối và thương nhân phân phối khi giao hàng với số lượng nhỏ ở các địa phương. Cùng với đó, giảm thời gian điều chỉnh giá chắc chắn sẽ khiến hao hụt tăng lên, tần suất giao nhận hàng gia tăng đi cùng chi phí của doanh nghiệp tăng lên, kéo theo lợi nhuận bị ảnh hưởng, thất thu thuế thu nhập DN trên toàn quốc.
Cũng theo ông Phụng, cơ quan quản lý cần làm trong sạch thị trường, giảm bớt chi phí trung gian trong các tầng nấc kinh doanh.
“Cần loại bỏ những DN đầu mối tư nhân được cấp phép kinh doanh xăng dầu nhưng không thực hiện đầy đủ hạn mức phân giao theo quy định; để tình trạng DN đầu mối lấy ngược xăng dầu từ các thương nhân phân phối là điều cực kỳ bất cập. Cơ quan quản lý cũng cần có quy định rõ về việc cho phép thương nhân đầu mối trực tiếp lấy xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí trung gian, phải mua lại qua đầu mối, giúp chi phí giá bán lẻ xăng dầu giảm. Khi thương nhân phân phối được mua xăng dầu trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu sẽ giúp các nhà máy có thể lên kế hoạch sản xuất ổn định, không có xáo trộn; cơ quan quản lý cũng giám sát trực tiếp được hoạt động của các DN xăng dầu trong các tầng nấc thay vì chỉ nắm được DN đầu mối hiện nay”, ông Phụng đề xuất.
Ông Phụng cũng cho rằng, để thị trường hoạt động ổn định, cần có quy định DN đầu mối phải tách bạch khâu bán buôn và bán lẻ trong hoạt động. Hiện tại, các DN vừa có quyền nhập khẩu nhưng cũng có quyền bán lẻ trực tiếp, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho rằng, việc cho DN bán lẻ được lấy xăng dầu từ 3 nguồn cũng là quá tốt nếu nhìn vào quãng thời gian gần 10 năm DN bị bó buộc chỉ được lấy từ 1 nguồn khiến DN thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất chưa thấy dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đề cập chính là Bộ Tài chính phải sửa lại Thông tư 104/2021 sao cho có tỷ lệ phân chia chi phí định mức ở các khâu một cách rõ ràng nhất. Đây là vấn đề cốt lõi dẫn đến việc DN bán lẻ luôn bị chèn ép thời gian qua khi DN đầu mối muốn cho bán lẻ chiết khấu bao nhiêu thì DN được hưởng bấy nhiêu. Tình trạng, bán lẻ bị ép giá chiết khấu 0 đồng lặp đi lặp lại như thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường rối loạn, DN bán lẻ bị lỗ kéo dài.
Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TPHCM) - cho rằng, hiện dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi) vẫn còn nhiều bất cập do các quy định trong dự thảo vẫn duy trì việc Nhà nước định giá bán lẻ nhưng không đưa quy định liên quan tách bạch khâu bán lẻ và bán buôn.