Ngày 11/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở phân tích thực trạng với những tồn tại, “điểm nghẽn” của 4 địa phương, đơn vị tư vấn đưa ra định hướng chiến lược phát triển chung cho cả vùng từ kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (phê duyệt năm 2011) và Vùng Thủ đô, là khai thác lợi thế Quốc lộ 32 và sự bổ trợ của tuyến hành lang sông Hồng, sông Đà, đại lộ Thăng Long… để xây dựng dải đô thị du lịch và nông nghiệp phía Tây Bắc Thủ đô.
Định hướng quy hoạch. |
Bên cạnh đó, thu hút phát triển các trung tâm chức năng mới của nền kinh tế như dịch vụ du lịch quốc tế, thể thao, vui chơi, giải trí, sản xuất tiên tiến kinh tế tri thức... để hình thành các khu vực phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với đô thị.
4 huyện, thị xã trên cũng sẽ phát triển các khu vực đô thị tập trung theo mô hình TOD gắn với hình thành hệ thống giao thông hiện đại, thông minh, hạ tầng đô thị đồng bộ, hấp dẫn, thu hút dân cư, đặc biệt là lực lượng lao động trí thức chất lượng cao. Phát triển không gian gắn với hình thành các trục quan trọng của Hà Nội gồm: Hành lang sông Hồng, sông Đà, hành lang Quốc lộ 32, và trục Hồ Tây - Ba Vì…
Đề cập đến tính đột phá trong định hướng phát triển, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành thành phố du lịch vùng Thủ đô với đô thị Sơn Tây là cửa ngõ, núi Ba Vì là trung tâm. Đây cũng là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị đơn vị tư vấn cần đánh giá đúng thực tiễn, “điểm nghẽn” về cơ chế, thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý các sở, ngành thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm, cập nhật đầy đủ hiện trạng phát triển ngành tại các địa phương để đưa ra định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn, sáng tạo, đột phá.