Đề xuất NSƯT, NSND 'đổi ngang' thạc sĩ, tiến sĩ: Bộ GD&ĐT nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Chia sẻ với phóng viên, PGS TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cho biết, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội ngày 6/3 về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo tiến sĩ, nhà trường đề xuất NSƯT, NSND giảng dạy tại trường được tính tương đương thạc sĩ, tiến sĩ. Theo PGS Thi, đề xuất này xuất phát từ thực tế trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Quy định của Bộ GD&ĐT mỗi ngành học phải có ít nhất 5 tiến sĩ, trong khi nhóm ngành nghệ thuật lại đặc thù. Do vậy, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề xuất công nhận tương đương không phải để giảng viên hưởng chế độ hay đào tạo sau ĐH mà chỉ để có cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm và mở ngành đào tạo.

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đặt vấn đề liệu có chuyện “háo danh” trong đề xuất công nhận NS ƯT, NSND tương đương thạc sĩ, tiến sĩ hay không?

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với đào tạo ĐH, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật phải bảo đảm tối thiểu có 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp. Quy định này với các trường nghệ thuật là khó trong khi các NSƯT hay NSND là đội ngũ giảng viên không thể thiếu.

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, người đứng đầu Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, trong thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ tại đơn vị cũng cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế đến từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với đặc thù là cơ sở đào tạo nghệ thuật nên số lượng nghiên cứu sinh trường tuyển sinh đào tạo hằng năm rất ít.

Đề xuất NSƯT, NSND 'đổi ngang' thạc sĩ, tiến sĩ: Bộ GD&ĐT nói gì? ảnh 1

Sinh viên khoa Sân khấu, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với vở diễn tốt nghiệpẢnh: ĐHSKĐA

Từ năm 2016 đến nay, nhà trường chỉ có 7 nghiên cứu sinh trúng tuyển. Đặc biệt, năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019, 2022 - 2023, nhà trường xác định tổng chỉ tiêu là 10, nhưng không có nghiên cứu sinh. Hơn nữa, các nghệ sĩ, giảng viên thạc sĩ đi học tiến sĩ, tiếp cận với công tác nghiên cứu khoa học nâng cao, chuyên sâu không dễ dàng. Chính vì vậy, nhà trường rất khó khăn trong công tác kiện toàn hệ thống giảng viên cơ hữu ở các cấp học đáp ứng theo tiêu chí thay đổi trong quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT hằng năm.

Không có chuyện công nhận tương đương trong giảng dạy

Theo ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, khi nhận được ý kiến đề xuất của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, ông khẳng định không có chuyện công nhận tương đương giữa NSƯT, NSND với thạc sĩ, tiến sĩ vì hai hệ thống tiêu chí công nhận hoàn toàn khác nhau. “Nếu công nhận tương đương thì liệu một tiến sĩ hay một giáo sư có được công nhận là NSND hay NSƯT không”, ông Nghệ đặt câu hỏi.

Ông Nghệ khẳng định, tiến sĩ là học vị, là trình độ học vấn một người có thể đạt được sau khi đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật, còn NSƯT, NSND là danh hiệu do Nhà nước phong tặng cho người có đóng góp nhất định về nghệ thuật, là sự tôn vinh của nhân dân đối với nghệ sĩ đó. “Chính vì vậy, một NSND chưa chắc đã có thể thi đỗ tiến sĩ. Đối với giảng viên là NSND, nếu chưa có trình độ từ tiến sĩ trở lên thì không thể tham gia đào tạo tiến sĩ. Thậm chí, với một ngành, để đào tạo tiến sĩ, phải có tỷ lệ nhất định giảng viên là phó giáo sư, giáo sư”, ông Nghệ nói.

Đối với việc quy đổi trình độ giảng viên trong xác định chỉ tiêu, Thông tư 03 ban hành năm 2022 của Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ. Giảng viên, trợ giảng là NSƯT, NSND, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân được Nhà nước công nhận, trao tặng, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ ĐH cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ. Nếu có bằng thạc sĩ sẽ được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Trong quy đổi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định rất rõ về vấn đề này. Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội giải thích đề xuất công nhận tương đương giữa NSƯT, NSND với thạc sĩ, tiến sĩ để nhà trường xác định chỉ tiêu đào tạo, nhưng dư luận khó có thể chấp nhận câu trả lời này. Còn nếu mục tiêu đề xuất để mở ngành thì trong Quy chế, Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ trình độ của đội ngũ giảng viên với mỗi ngành/khoa, không có chuyện quy đổi sang ngang để mở ngành vì cơ sở đào tạo phải đảm bảo trình độ học vấn của giảng viên theo yêu cầu của Quy chế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.