Đề xuất nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ thực tiễn dịch bệnh COVID-19, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị xem xét, nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp.
Đề xuất nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp ảnh 1

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh: Như Ý).

Ngày 6/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết 30/2021/QH15 các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - đánh giá, Nghị quyết 30 là sáng kiến pháp luật, thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch với những giải pháp chưa có trong tiền lệ.

Theo bà, hiệu quả của vắc xin trong phòng chống dịch COVID-19 là rất tốt, tuy nhiên lại mới chỉ ban hành các nghị quyết liên quan đến việc mua vắc xin, giải quyết được những vướng mắc của Trung ương. Còn những khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch ở địa phương chưa có những văn bản giải quyết, vẫn thực hiện theo những quy định chung như Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, hiện nay trong các văn bản của Chính phủ cũng như của Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cho địa phương trong việc vay mượn hoặc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để giải quyết những khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

“Cho đến nay vẫn chưa có quy định về việc mua sắm trong thời điểm phòng chống dịch, huy động về giá, trang thiết bị, vật tư tiêu hao. Đấy là những khó khăn, vướng mắc rất lớn ở địa phương thực hiện phòng chống dịch”, bà Hà kiến nghị có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương giải quyết những khó khăn này.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho rằng, hiện đang xảy ra hiện tượng cứng nhắc trong việc áp dụng các quy định thanh, kiểm tra sau dịch bệnh.

“Tôi đi giám sát địa phương, anh em y tế nói thanh tra, kiểm toán, công an chỉ dựa trên quy định hiện hành chứ không áp dụng các quy định của Nghị quyết số 30/2021/QH15”, bà Lan nêu và cho rằng, cần nâng cấp những nội dung của Nghị quyết số 30 thành luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) nhất trí việc cho phép tiếp tục thanh toán chế độ, chính sách cho người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và chi phí phòng, chống dịch theo lộ trình ghi tại dự thảo nghị quyết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách ở một số địa phương còn khó khăn, như trong việc xác định đối tượng tham gia, xác định ngày công tham gia chống dịch ở mỗi địa phương lại có cách thực hiện khác nhau.

Đề xuất nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp ảnh 2

Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam).

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn một cách thống nhất, rõ tiêu chí để dễ triển khai thực hiện thanh toán, quyết toán chi phí phòng, chống dịch, cũng như dễ kiểm tra, giám sát; sớm giải quyết, hỗ trợ kinh phí để thanh quyết toán, các chế độ chính sách cho cán bộ y tế...

Từ thực tiễn dịch bệnh COVID-19, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị xem xét, nghiên cứu ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp; trong đó quy định thẩm quyền Chính phủ, các cơ quan, địa phương trong xử lý các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai... nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước những tình huống khẩn cấp khách quan.

Đồng thời, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện; quan tâm tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống y tế ở cơ sở; có phương án xử lý đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn tồn dư…

MỚI - NÓNG