Chiều 12/4, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng đoàn lãnh đạo sở, ban ngành kiểm tra thực tế 2 dự án trọng điểm ở cửa ngõ phía Đông TPHCM: Nâng cấp, cải tạo đường Lương Định Của và xây mới nút giao An Phú.
Hai dự án được kỳ vọng hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ, thông suốt vào đúng mốc kỷ niệm 30/4/2025.
Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường Lương Định Của vẫn còn vướng giải phóng mặt bằng 2 hộ dân và điều chỉnh ranh cục bộ. Dự kiến, những đầu việc này hoàn thành chậm nhất vào cuối tháng 4 năm nay.
Vướng mắc lớn nhất của dự án là từ phạm vi đường Nguyễn Hoàng đến đường Mai Chí Thọ - diện tích tương đương 22.000m2, 64 hộ dân bị ảnh hưởng và chưa có kế hoạch triển khai công tác bồi thường.
"Nếu có mặt bằng thi công đường Lương Định Của, dự kiến nhà thầu mất 4 tháng để hoàn tất hạng mục cầu vượt", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) báo cáo.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị chủ đầu tư phối hợp UBND TP Thủ Đức tập trung nghiên cứu theo hướng giảm ranh dự án. Riêng địa phương cần tiếp cận nhiều phương thức giải phóng mặt bằng để giải quyết vấn đề pháp lý. Từ nay đến 30/4, TP Thủ Đức cần bàn giao nốt các hộ còn lại cho chủ đầu tư.
"Chủ đầu tư cần nghiên cứu phương án thi công đảm bảo đồng bộ khai thác đường Lương Định Của với nút giao An Phú, phát huy toàn diện hiệu quả của dự án", Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý.
Với dự án xây mới nút giao An Phú, ông Lương Minh Phúc cho biết vấn đề lớn nhất là phân luồng giao thông khi thi công dự án. Hiện nút giao này có lưu lượng phương tiện dày đặc và rất phức tạp.
Ông Phúc cho biết theo thứ tự, nhà thầu phải thi công từng đốt hầm một sau đó trả lại mặt bằng, thi công tiếp các mố trụ trên cao. Nếu lần lượt thi công theo những công đoạn này, thời gian sẽ kéo dài hơn.
Tuy nhiên, sau khi họp sơ bộ, chúng tôi đề xuất một giải pháp táo bạo hơn để rút ngắn thời gian thi công dự án đáng kể, tránh sự phiền toái kéo dài cho người dân đó là hạn chế cục bộ nút giao, tránh việc xe qua lại từ đây đến tháng 9.
Ước tính, mỗi ngày, nút giao An Phú có khoảng 20.000 xe container đi qua. Ban giao thông đã tính toán đến giải pháp tách xe máy và phân luồng từ xa, kết hợp việc thi công lấn dần ra nút giao.
Do đó, Sở GTVT TP, CSGT TP và đơn vị tư vấn đã nghiên cứu phương án có thể thi công đồng bộ khu vực đó với điều kiện chiếm dụng toàn bộ khu vực ngã tư cục bộ.
Song song đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức phân luồng để đường đi vẫn thông thoáng, tuy nhiên phương tiện phải di chuyển đường vòng xa hơn.
"Để áp dụng phương án này, đơn vị tư vấn và Sở GTVT đang kiểm tra, đánh giá thực địa trên mô hình. Như vậy, việc thi công nhánh hầm chui 1 và hai cầu vượt N3, N4 sẽ rút ngắn tiến độ được 3-4 tháng", ông Lương Minh Phúc nói và mong bà con khi qua nút giao An Phú chia sẻ bất tiện trong giai đoạn dự án cần đẩy nhanh tiến độ như hiện nay.
Hiện nay, trên đại công trường nút giao An Phú có hàng trăm công nhân làm việc mỗi ngày với hai ca chính, từ 6h đến 18h, ca 2 từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
Nút giao An Phú có quy mô 3 tầng, phần đường từ 10-12 làn xe, phần hầm chui 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe, có hầm chui 2 chiều nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Hiện dự án đạt khoảng 40% tổng khối lượng.
Sau khi hoàn thiện, công trình được kỳ vọng giảm ùn tắc cho điểm đầu cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường vào cảng Cát Lái.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, hiện dự án đang triển khai thi công 4 gói thầu chính là cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố và 2 hầm chui trên đường Mai Chí Thọ. Công trình dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025.