Đề xuất BCĐ T.Ư về phòng, chống tham nhũng thuộc QH

Đề xuất BCĐ T.Ư về phòng, chống tham nhũng thuộc QH
TP - Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam vừa thảo luận và góp ý cho Ban Chỉ đạo cải cách về mô hình Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về Phòng chống tham nhũng (PCTN).

>Xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức BCĐ T.Ư về phòng, chống tham nhũng
>Khuyến khích tố tham nhũng qua mạng

Nhiều ý kiến đề xuất chuyển BCĐ T.Ư về PCTN sang thuộc Quốc hội (QH). Tiền Phong đã trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch về vấn đề này.

Ông Túc nói: BCĐ T.Ư PCTN như hiện nay là chưa hợp lý. Hơn nữa, thực tiễn những năm vừa qua, tham nhũng không giảm mà có phần tinh vi, nghiêm trọng. Tôi kiến nghị, nên có BCĐ T.Ư PCTN do QH chủ trì. Điều này cũng phù hợp với chức năng của QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, giám sát các hoạt động. Chủ tịch QH nên trực tiếp là Trưởng BCĐ T.Ư PCTN, thành viên là đại diện Chính phủ, MTTQ, các cơ quan tư pháp.

Tại cuộc họp Đoàn Chủ tịch, các ý kiến có khác nhau về vấn đề này không, thưa ông?

Các ủy viên Đoàn Chủ tịch đi đến nhất trí cao, không nên để mô hình như hiện nay. BCĐ T.Ư PCTN nên chuyển sang QH. Còn ai trong QH làm Trưởng BCĐ thì do Bộ Chính trị quyết định.

Cũng có ý kiến nên thành lập Ủy ban chuyên trách PCTN thuộc QH, ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ, cùng với BCĐ thì có thể lập Ủy ban chuyên trách về PCTN thuộc QH. Có ý kiến cho rằng, ủy ban này có giống với các ủy ban khác của QH. Nhưng thực tế, mỗi ủy ban có chức năng, nhiệm vụ riêng. Nếu chuyển BCĐ PCTN sang QH thì tính độc lập, giám sát cao hơn. Người dân có ý kiến thì thông qua HĐND các cấp, đại biểu QH để gửi tới BCĐ. Thực tế, PCTN phải dựa vào dân, chứ mình nhà nước không làm được.

Vậy theo ông hạn chế lớn nhất trong công tác PCTN hiện nay là gì, tại sao chúng ta có quyết tâm lớn mà tham nhũng vẫn chưa bị đẩy lùi?

Ngày trước, tiêu chuẩn của cán bộ là rõ ràng, công khai, minh bạch. Những người xung quanh giám sát cán bộ qua những tiêu chuẩn này. Cán bộ có biểu hiện gì bất minh là người dân có ý kiến ngay. Ngoài ra, sự gương mẫu của người đứng đầu là yếu tố quyết định. Tôi từng là thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt, đi công tác ở đâu là sáng đi trưa về. Nếu đi cả ngày thì trưa ăn cơm và trả tem phiếu. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thường bảo chúng tôi, cán bộ đi công tác đã có tiền nhà nước cấp, không nhờ cơ sở. Để chống được tham nhũng, quan trọng nhất là người đứng đầu phải gương mẫu để bên dưới làm theo. Nếu người đứng đầu mà có lăn tăn gì đó thì cấp dưới dễ lợi dụng để làm những điều không có lợi cho đất nước.

Vậy theo ông làm sao để phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp và người dân trong công tác này hiện nay?

Hiện một số cấp ủy chưa nhận thức được MTTQ cũng như các thành viên của MTTQ là đại diện cho tiếng nói của dân. Có nơi còn coi nhẹ MTTQ, bố trí cán bộ không đúng tầm làm công tác này. Không ít nơi, MTTQ không nói được tiếng nói của dân, mà thường các cán bộ trong cấp ủy nói tiếng nói của cấp ủy.

Ngoài ra, khi phát triển kinh tế thị trường, điểm nổi bật là xuất hiện đội ngũ doanh nhân. Đây là đội ngũ thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Nhưng nếu không có pháp luật giám sát, một bộ phận doanh nhân sẽ góp phần làm tha hóa đội ngũ cán bộ của chúng ta. Tại Đại hội Đảng XI, đã nói đến nguy cơ lợi ích nhóm chi phối. Đa phần các vụ án lớn vừa qua thì cán bộ nhà nước đều có dính dáng với doanh nhân. Đấy là cái tôi lo nhất.

Cám ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG