Để Tổ quốc mãi vững bền

Để Tổ quốc mãi vững bền
TP - Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Quốc khánh 2-9, nhiều trí thức lớn của đất nước đã phát biểu với Tiền Phong những nghĩ suy về bản chất của Nhà nước ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng 8, về cuộc đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc, về môi trường cho thế hệ trẻ phát huy và cống hiến…

“Đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân”

“Theo tinh thần của nhà nước pháp quyền, chủ thể của quyền lực nhà nước là nhân dân, nhân dân trao quyền lực của mình cho bộ máy nhà nước để quản lý xã hội. Việc trao quyền ghi nhận bằng Khế ước xã hội, một văn bản chính trị pháp lý mà chúng ta gọi là Hiến pháp” - TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp trao đổi với Tiền phong.

TS Đinh Xuân Thảo
TS Đinh Xuân Thảo.

Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ thể hiện tinh thần nhà nước của dân, do dân, vì dân ra sao, thưa ông?

Hiến pháp sửa đổi lần này kế thừa, phát huy nhiều điểm tiến bộ của các bản Hiến pháp trước, thể hiện bản chất xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân.

Chúng ta không theo tam quyền phân lập, mà thể hiện sự thống nhất của quyền lực, có sự phân công rành mạch và kiểm soát lẫn nhau giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hiến pháp sửa đổi khẳng định Quốc hội là cơ quan lập pháp, quy định rõ Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.

Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, với nội hàm được làm rõ hơn.

Bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân là dân được kiểm soát quyền lực nhà nước. Cơ chế kiểm soát được thực hiện trên cơ sở nào?

Trước tiên, người dân kiểm soát người đại diện cho mình, tức là các đại biểu mình cử, bằng việc theo dõi các hoạt động qua báo chí, truyền thông, tiếp xúc cử tri; người dân đề đạt ý kiến, xem việc phản hồi ý kiến đó đến nghị trường ra sao, có tác động đến việc ra chính sách hay không. Chương trình hành động của đại biểu chính là sự cam kết với cử tri, làm căn cứ để giám sát, kiểm soát hoạt động.

Thứ hai, người dân thực hiện quyền của mình qua các cơ quan nhà nước khác, thông qua cơ chế dân chủ cơ sở, trưng cầu ý dân. Thực ra, trưng cầu ý dân Hiến pháp 1946 đã có quy định. Sửa đổi Hiến pháp lần này vấn đề này được chú ý, sau khi Hiến pháp được thông qua sẽ có luật để thực hiện.

Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm: Ai sẽ là đối tượng để đưa ra bỏ phiếu, thưa ông?

Quốc hội đã có Nghị quyết và hiện đang khẩn trương xây dựng quy chế để cuối năm nay thông qua, áp dụng từ kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII (đầu 2013).

Xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước vững mạnh thì việc bỏ phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu bất tín nhiệm là việc cần thiết.

Có ý kiến cho rằng nếu bỏ phiếu đối tượng giám sát của Quốc hội là các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn thì rộng quá. Theo đó Dự thảo quy chế có phương án, nên chăng chỉ tập trung vào các chức danh chủ chốt thôi

“Dựa vào quyết tâm của toàn dân tộc”

Trao đổi với Tiền Phong, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nhớ lại trong bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch đã khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do mà dân tộc ta vừa giành được bằng tất cả những gì quý giá nhất : “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải”.

 PGS-TS Võ Văn Sen
PGS-TS Võ Văn Sen.

Xin ông cho biết những bài học rút ra từ bản Tuyên ngôn độc lập trong việc bảo vệ và phát huy chủ quyền dân tộc trong thời đại ngày nay?

Theo tôi, chúng ta có thể học được nhiều bài học từ Tuyên ngôn độc lập, để bảo vệ và phát huy chủ quyền dân tộc trong thời đại ngày nay:

Trước hết phải bằng những bằng chứng khoa học nhất, dựa vào luật pháp quốc tế , ta công bố trước toàn thế giới về chủ quyền của ta đối với biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa,…( tương tự như Luật Biển vừa được Quốc hội ta thông qua ngày 21-6 vừa qua).

Tiếp đến, phải xây dựng thực lực quân sự, sức mạnh tổng hợp quốc gia, kiên quyết giữ vững chủ quyền trên thực tế bằng bất cứ giá nào. Không bao giờ được thỏa hiệp dù với bất cứ lý do gì.

Phải dựa vào quyết tâm của toàn thể dân tộc để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng bất cứ giá nào. Từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu này đều thắm đẫm xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Lịch sử của dân tộc ta từ xưa đến nay chưa bao giờ chịu để mất một tấc đất nào của Tổ quốc, một vùng biển nào của Mẹ Việt Nam.

Để phát huy những giá trị truyền thống trong thời đại mới, theo ông, ngành khoa học lịch sử và việc giảng dạy lịch sử cần được đổi mới như thế nào?

Việc này giới sử học đã có nhiều hội thảo khoa học, nhưng theo tôi có thể có những đổi mới như sau:

- Nâng cao vị trí của môn sử trong trường phổ thông bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tại sao nước Mỹ có thể bố trí học sinh lớp 11 học 4-6 tiết một tuần môn lịch sử Mỹ, còn chúng ta thì không thể làm được? Điểm sử là một trong những điểm rất quan trọng khi xét chọn vào đại học... Chúng ta nên đưa môn sử như môn bắt buộc khi thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển đại học.

- Đầu tư phát triển mạnh, hiện đại hóa các viện, trung tâm nghiên cứu tầm cỡ quốc gia cũng như các khoa lịch sử ở các đại học sư phạm, KHXH&NV,… để có những đầu đàn tốt, những “đại thụ”, những công trình nghiên cứu thật tốt làm nòng cốt cho việc học tập, giảng dạy sử.

- Đầu tư viết lại sách giáo khoa cho khoa học hơn, sâu sắc hơn. Chúng ta cứ so sánh sách giáo khoa của chúng ta và một số nước phát triển thì thấy ngay những điều phải đổi mới về nội dung, phương pháp trình bày.

- Mỗi năm nên tận dụng kỳ hè để tập huấn cho tất cả giáo viên dạy sử ở phổ thông về kiến thức và phương pháp, nhất là phương pháp giảng dạy hiện đại

“Tạo môi trường dân chủ cho thế hệ trẻ”

Trò chuyện với Tiền Phong, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an tin rằng nếu tạo được một môi trường dân chủ lành mạnh hơn nữa thì thế hệ trẻ sẽ tạo ra được những sự phát triển mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Thiếu tướng Lê Văn Cương
Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Kỷ niệm Quốc khánh 2-9 chúng ta càng nhớ đến Bác. Đọc lại Di chúc của Người trong những ngày này, ông có suy nghĩ gì?

Bác Hồ luôn nhấn mạnh khi nước độc lập, dân phải được tự do, hạnh phúc. Nước độc lập mà người dân không có tự do, hạnh phúc thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh mong muốn cuối cùng của Bác là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa, để mong mỏi đó của Bác thành sự thật.

Trong ngày Lễ Độc lập, ông mong đợi gì ở thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay?

Mới đây, Học viện Ngoại giao có mời tôi tham gia làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi tìm hiểu về Chủ quyền trên biển Đông và tôi thực sự rất bất ngờ, cuộc thi tổ chức quy mô hẹp nhưng có hàng trăm bài trong đó có những bài trên 1.280 trang, không ai hình dung nổi, có những bài được gửi về từ nhiều trường đại học trên thế giới, không chỉ là sinh viên Luật mà còn nhiều khoa khác, đặc biệt còn có bài dự thi của các du học sinh ở Anh, ở Mỹ, ở Pháp, ở Nhật Bản, ở Singapore… tôi thấy quá tuyệt vời.

Thật cảm động vì bất cứ góc trời nào trên thế giới, thanh niên Việt Nam cũng hướng về đất nước. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào thế hệ trẻ. Thế hệ các bạn giỏi hơn tôi và thế hệ như tôi rất nhiều, rất thông minh, táo bạo và trong sáng.

Nhân Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9, lãnh đạo đất nước phải suy nghĩ rất nhiều, làm sao tạo ra được môi trường lành mạnh nhất, tốt đẹp nhất, trong sáng nhất, dân chủ nhất cho thế hệ trẻ.

Mọi sáng tạo chỉ nảy nở trong môi trường dân chủ lành mạnh. Không có môi trường dân chủ lành mạnh thì thui chột hết mọi mầm sáng tạo. Chúng ta còn nợ những người đã hy sinh, đã ngã xuống vì độc lập dân tộc món nợ đó. Trách nhiệm những người hiện nay là phải trả món nợ đón

Nguyễn Tuấn - Trần Nguyên Anh - Cao Nhật

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.