Vì sao BTC cuộc thi HHVN 2018 thực hiện dự án “Vang mãi khúc quân hành” ?
Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn phát biểu khi đến thăm, trao quà tại Trung tâm điều dưỡng Người có công ở Thanh Hóa.
Năm nay, Vòng chung khảo khu vực phía Bắc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Tiếp liền đó, các thí sinh thực hiện các dự án Người đẹp Nhân ái. BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 (báo Tiền Phong và Cty Sen Vàng) quyết định nội dung một dự án Nhân ái là thăm, giao lưu, chăm sóc, tặng quà 3 trung tâm điều dưỡng thương binh ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nam.
Ðặc biệt, BTC còn phối hợp với Tỉnh Ðoàn Nghệ An và Huyện Ðoàn Anh Sơn tổ chức cho thí sinh và hàng trăm đoàn viên, thanh niên thắp hương và nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại hơn 11.000 ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào ( huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vào tối ngày 23/7 vừa qua.
Thí sinh cũng được đưa đến dự và giao lưu, thăm hỏi, trao quà cho các cô bác cựu Thanh niên xung phong.
Lý do BTC chọn 3 trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công ở Nghệ An, Thanh Hoá và Kim Bảng (Hà Nam) là điểm đến thực hiện dự án?
Các thí sinh HHVN chuẩn bị buổi nấu ăn thiện nguyện tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng- Hà Nam.
Nghệ An là nơi diễn ra Vòng Chung khảo khu vực phía Bắc của cuộc thi. Còn Thanh Hoá và Kim Bảng - Hà Nam là hai trong số các trung tâm điều dưỡng lớn nhất có nhiều thương binh và người có công đang được chăm sóc tại đó.
Ngoài 3 trung tâm vừa kể, báo Tiền Phong phối hợp với Hội Cựu chiến binh Cơ quan T.Ư Ðoàn còn đến thăm, giao lưu, tặng quà 7 trung tâm khác từ Bà Rịa - Vũng Tàu cho đến Bắc Giang.
Cảm xúc của ông khi đến các trung tâm này?
Ðây là các trung tâm mà trong những năm qua tôi cùng đoàn công tác của báo Tiền Phong và các đơn vị phối hợp, các nhà tài trợ đã đến thăm một số lần nên cảm giác rất thân thuộc. Lãnh đạo và các cô bác thương binh ở đấy cũng coi tôi như người nhà nên đến các trung tâm là niềm vui rất lớn đối với tôi.
Qua dự án này, BTC muốn truyền tải thông điệp gì?
Mục đích của dự án là để các thí sinh tiếp xúc, trò chuyện với các bác, các chú, các cô thương, bệnh binh, nghe câu chuyện chiến đấu, hi sinh của họ và thấy ngày nay họ vẫn đang trong cuộc chiến đấu với đau đớn, thương tật hằng ngày. Qua đó, thí sinh sẽ hiểu được truyền thống yêu nước, cách mạng, những mất mát, hi sinh, công lao to lớn của thế hệ đi trước và giá trị của cuộc sống hoà bình ngày hôm nay.
Ðồng thời, cũng là dịp để các thí sinh bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn của mình với những người đi trước và có những hành động thiết thực chăm sóc thương bệnh binh, người có công…
Ðây cũng là dịp để tuyên truyền cho công tác đền ơn, đáp nghĩa: Hoạt động của các thí sinh sẽ được ghi lại, xây dựng thành hai tập trong xê-ri “Người đẹp Nhân ái” để phát sóng trên một trong các kênh của Ðài Truyền hình Việt Nam.
BTC kỳ vọng điều gì ở các thí sinh tham gia dự án?
Chúng tôi hi vọng các em thấy rõ hơn giá trị của cuộc sống và có trách nhiệm hơn với đất nước, với thế hệ đi trước, với những người xung quanh. Dự án hầu như đã hoàn tất, tôi cảm thấy chương trình đã đạt được các mục tiêu đặt ra.
“Ðây cũng là dịp để tuyên truyền cho công tác đền ơn, đáp nghĩa: Hoạt động của các thí sinh sẽ được ghi lại, xây dựng thành hai tập trong xê-ri “Người đẹp Nhân ái” để phát sóng trên một trong các kênh của Ðài Truyền hình Việt Nam” - Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi HHVN.
Mục đích của dự án là để các thí sinh tiếp xúc, trò chuyện với các bác, các chú, các cô thương, bệnh binh, nghe câu chuyện chiến đấu, hi sinh của họ và thấy ngày nay họ vẫn đang trong cuộc chiến đấu với đau đớn, thương tật hằng ngày. Qua đó, thí sinh sẽ hiểu được truyền thống yêu nước, cách mạng, những mất mát, hi sinh, công lao to lớn của thế hệ đi trước và giá trị của cuộc sống hoà bình ngày hôm nay.