Đề có sự phân hóa
Sáng nay, thí sinh kết thúc các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Đối với môn Lịch sử, đa số thí sinh đều cho rằng, đề tương đối phù hợp cho cả học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển ĐH.
Em Vũ Phương Anh, rời điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, để đỗ tốt nghiệp không khó nhưng điểm cao ở mức 9-10 thì chắc chắn khó.
“Cách sắp xếp các câu hỏi từ dễ đến khó thuận lợi cho thí sinh theo mạch làm bài. Khi cầm đề thí sinh có thể làm một lượt từ câu số 1 đến khi vấp các câu khó ở phần cuối”, Phương Anh nói.
Thí sinh vui mừng rời điểm thi sau khi kết thúc bài thi tổ hợp sáng nay. (ảnh: Trọng Tài) |
Phương Anh là một trong những thí sinh dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp với hi vọng đỗ vào trường ĐH tốp đầu bởi trước đó, em đăng ký xét tuyển sớm nhưng chỉ đỗ một số trường không như kỳ vọng. Đêm trước ngày thi hôm nay, Phương Anh vẫn thức đến 2 giờ sáng để học bài.
Vũ Tiến Lâm, thí sinh tự do tại Hà Nội cũng chia sẻ, đề Lịch sử khá dễ, em có thể đạt 9 điểm. “Tuy nhiên, trong số 40 câu hỏi có một số câu hỏi với dạng thức khác đó là đưa ra dữ liệu cho thí sinh chọn đáp án. Đây có thể là hướng ra đề mới cho các bạn năm tới làm quen”, Lâm nói.
Tiếp cận cách ra đề mới
Thầy Hồ Như Hiển, Trung tâm Tuyensinh247 nhận định, 40 câu hỏi tập trung vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, có 26 câu thuộc (chiếm 65%) nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975; 4 câu thuộc chương trình lịch sử lớp 11. Đề thi bắt đầu phân hóa từ câu 30, phân hóa cao từ câu 33 đến câu 40.
Cũng theo thầy Hiển, với đề thi như năm phổ điểm có thể ở mức trên 7 điểm. Những em có năng lực khá - giỏi có thể đạt điểm 9,10. Để đạt được mức điểm đó, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý. Học sinh trong năm tới cần ôn kỹ chương trình môn Lịch sử lớp 12 sau đó ôn tập chương trình lớp 11.
Một giáo viên dạy Lịch sử ở trường THPT tại Hà Nội nói rằng, điểm mới của đề Lịch sử năm nay là đã có một số câu hỏi ra theo hướng ra đề của năm 2025, theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể là các câu 33, 35, đề đưa ra dữ liệu cho học sinh đọc rồi mới chọn đáp án. Tuy nhiên, theo giáo viên dài, trong thời gian 50 phút với 40 câu hỏi, việc đưa ra tư liệu như vậy là hơi dài dòng, học sinh mất thời gian đọc đề, có thể ảnh hưởng đến tiến độ làm bài.
Còn đánh giá chung, đề có độ phân hóa, phù hợp với học sinh thi để xét tốt nghiệp và là căn cứ tin cậy để các trường ĐH có thể tuyển sinh. Các câu hỏi cũng bám sát chương trình, không phạm vào nội dung đã được tinh giản.