Đề tài báo chí về thanh niên như một rừng hoa để lựa chọn

Đề tài báo chí về thanh niên như một rừng hoa để lựa chọn
TPO - Chia sẻ tại Lễ trao giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017, nhà báo Phương Thảo (Đài Phát thanh Truyền hình Thái Nguyên) cho rằng, viết về đề tài thanh niên vô cùng hấp dẫn. “Đề tài báo chí về thanh niên như một rừng hoa để lựa chọn. Khi chúng tôi viết về thanh niên thì thấy chính mình ở đó”, chị Thảo nói.  

Ấn tượng sâu sắc

Tối 20/6, T.Ư Đoàn tổ chức Lễ trao giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017. Tham dự buổi lễ có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, các đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn, đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam... Giải thưởng có sự đồng hành của báo Tiền Phong và Cty Cổ phần Ô tô Trường Hải.

Theo Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, giải thưởng báo chí viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2017 được tổ chức nhằm phát hiện, tuyên dương những người làm báo và các tác giả có những tác phẩm hay, sâu sắc phản ánh sinh động đời sống giới trẻ, thực tiễn công tác đoàn và phong trào thanh niên. 

Đề tài báo chí về thanh niên như một rừng hoa để lựa chọn ảnh 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng và Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao giải nhất cho hai loạt bài của báo Tiền Phong và Thanh Niên. Ảnh: Như Ý

Năm 2017, giải thưởng có số tác phẩm và đơn vị tham dự giải nhiều nhất; nhiều đơn vị, tổ chức cá nhân ở nhiều địa bàn cả nước tham gia và cũng là năm có sự đa dạng, nhiều loại hình, thể loại với báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí.

“Điều đáng ghi nhận là tuyến bài viết về gương thanh thiếu niên tiêu biểu, gương người tốt việc tốt tham dự chiếm số lượng lớn với gần 200 bài”, anh Lương nói.

Theo anh Lương, các tác phẩm tham dự giải thưởng đã phản ánh toàn diện, đa dạng và có chiều sâu về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở khắp các vùng miền, lĩnh vực; phong phú về chủ đề, đa dạng về loại hình, sâu sắc về nội dung, trau chuốt về hình thức.

Từ đi sâu phản ánh các phong trào hoạt động, việc triển khai các chương trình, đề án của tổ chức Đoàn từ trung ương tới cơ sở; phản ánh gương thanh niên tiêu biểu, tấm gương người tốt, việc tốt, đấu tranh chống tiêu cực ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau. 

Đề tài báo chí về thanh niên như một rừng hoa để lựa chọn ảnh 2

Các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Như Ý

Những tấm gương đang âm thầm vượt qua khó khăn, thách thức,vững niềm tin, mang sức trẻ, nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, đất nước; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; từ phát hiện những mô hình nghiên cứu, sản xuất sáng tạo của các gương thanh niên tiêu biểu; phát hiện, phản biện những vấn đề còn tồn tại của tổ chức Đoàn... tới những vấn đề mang tầm vĩ mô, có tính định hướng, giáo dục thanh niên sống có lý tưởng, có ước mơ, hoài bão để vươn lên làm chủ tương lai.

Qua đó gợi mở để tổ chức Đoàn các cấp, các cơ quan chức năng tìm lời giải phù hợp. Một số tác phẩm có sức lan tỏa lớn, tạo ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc và khán thính giả.

Viết về thanh niên, thấy chính mình trong đó

Chia sẻ tại lễ trao giải, nhà báo lão thành Hà Đăng cho biết, dù ở các thế hệ khác nhau, lớp báo chí đi trước và thế hệ nhà báo hiện tại đều có điểm chung ở hai phẩm chất chính trị và đạo đức. Theo nhà báo Hà Đăng, phẩm chất chính trị như Bác Hồ đã nói, phải xác định viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì và như thế nào. 

Đề tài báo chí về thanh niên như một rừng hoa để lựa chọn ảnh 3

Anh Lê Quốc Phong động viên lãnh đạo và phóng viên báo Tiền Phong. Ảnh: Như Ý

“Phẩm chất chính trị là trung thành với lý tưởng cách mạng, phục vụ nhà nước, nhân dân, phục vụ cách mạng”, ông Đăng nói. Cùng với đó, nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh về phẩm chất đạo đức, phải có tâm, có tài, có đức. Phải có đạo đức nghề nghiệp, trung thành với sự nghiệp cách mạng, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và làm thế nào để viết được những bài báo hay, sâu sắc. Bên cạnh đó, nhà báo phải có tố chất, phải biết tự tin vào khả năng của mình.

Ông Hà Đăng cũng nhấn mạnh, nếu công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi không tốt thì làm sao báo chí có thể viết về người tốt việc tốt được. “Công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi làm tốt, có nhiều nhân tố mới thì dễ cho nhà báo khai thác”, ông Đăng nói.

Được trao giải nhất với loạt bài Đứng dậy từ vùng biển chết, phóng viên Nguyễn Phúc, báo Thanh niên chia sẻ, sau sự cố biển miền Trung, nếu có dịp vào đây, nhìn thấy biển vắng lặng, những con tàu nằm bờ, và những người ngư dân không biết làm gì để bám biển, sẽ thấy những thanh niên như những đốm sáng, vươn lên kiếm kế sinh nhai cho bản thân, cho gia đình và người khác.

“Họ không muốn biển chết. Họ đang không ngừng nỗ lực vì biển đảo Việt Nam luôn trong trái tim của họ, trong trái tim người trẻ”, anh Phúc khẳng định.

Trong khi đó, chia sẻ về lý do làm các chương trình về đời sống giới trẻ, nhà báo Phương Thảo (Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên) phản đối quan điểm cho rằng, viết báo về thanh niên, giới trẻ là khô cứng, thiếu hấp dẫn.

“Vấn đề là tìm được thứ hấp dẫn trong các hoạt động, điển hình của thanh niên và truyền tải thông điệp đến với bạn đọc. Đề tài về thanh niên vô cùng hấp dẫn, nó như một rừng hoa để lựa chọn. Khi viết về thanh niên, chúng tôi thấy chính mình trong đó”, chị Thảo nói.

Tại lễ trao giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cùng Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đã trao 2 giải nhất cho loạt bài “Đứng dậy từ vùng biển chết” của báo Thanh niên và Diễn đàn “Facebook và hệ lụy” của báo Tiền Phong. Ngoài ra, báo Tiền Phong còn có thêm một giải Nhì với loạt bài “Những người trẻ Việt Nam làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế”.

MỚI - NÓNG