Đề Sử điểm dưới trung bình sẽ ít

Thí sinh Đà Nẵng khá căng thẳng sau môn thi Lịch Sử. Ảnh: Nguyễn Huy
Thí sinh Đà Nẵng khá căng thẳng sau môn thi Lịch Sử. Ảnh: Nguyễn Huy
TPO- Theo thầy Đoàn Văn Đạo- giáo viên dạy Sử của Trung tâm luyện thi Đại học Vĩnh Viễn TPHCM thì đề Sử năm nay vừa sức, không đánh đố học sinh nhưng có tính phân loại ở mức vừa phải.

Thầy Đạo cho biết, đề thi môn Lịch Sử năm nay phù hợp với thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tức là chỉ cần chăm học là có thể đạt điểm trung bình trở lên.

“Đề có phân loại chút ít ở câu 2 (4 điểm) vì với 3 điểm đầu chỉ cần thí sinh học thuộc bài nhưng một điểm còn lại đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức mới có thể giải quyết được trọng vẹn ý mà đề yêu cầu”- thầy Đạo cho biết thêm.

Ngoài ra, câu 3a, câu 3b, ý của người ra đề cũng là phân loại học sinh vì ngoài học thuộc bài thì vẫn phải có cả kĩ năng vận dụng kiến thức mới đạt được điểm cao.

“Đề năm nay nói chung vừa sức, không đánh đố học sinh nhưng vẫn phân loại được học sinh giỏi với học sinh trung bình ở câu 2, câu 3a và câu 3b. Đề này sẽ ít điểm 0, điểm dưới trung bình cũng sẽ ít và điểm 8 trở lên sẽ khá nhiều”- thầy Đạo cho biết thêm.

Đề Sử hay, có tính phân loại cao

Theo cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên chuyên Sử (trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên – Huế): nhìn chung đề Lịch sử năm nay không khó, vừa sức với thí sinh. Đặc biệt các nội dung câu hỏi đều năm trong kiến thức cơ bản SGK lớp 12 nên nếu thí sinh ôn luyện tốt, nắm kiến thức cơ bản sẽ làm bài kết quả cao. So với các đề thi năm trước, đề thi năm nay không khó hơn. Tuy nhiên, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi hay và có tính phân loại học sinh cao.

Thí sinh Đà Nẵng khá căng thẳng sau môn thi Lịch Sử. Ảnh: Nguyễn Huy
Thí sinh Đà Nẵng khá căng thẳng sau môn thi Lịch Sử. Ảnh: Nguyễn Huy.

Như câu 2 (phần I) yêu cầu thí sinh nêu “Nội dung cơ bản của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt cuộc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định trên đã tạo điều kiện thuận lợi gì để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam?”. Ở vế hai có tính phân loại học sinh cao, đòi hỏi thí sinh có sự vận dụng liên hệ từ các nội dung cơ bản của Hiệp định làm rõ điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phòng hoàn toàn miền Nam.

Phần lớn thí sinh chỉ tập trung ôn luyện nội dung cơ bản của Hiệp định Pari năm 1973 mà không chú ý nhiều đến tác động của nó, nên vế hai của câu hỏi sẽ tạo điều kiện phân loại thí sinh. Ngay ở hai câu hỏi phần riêng – tự chọn, chọn câu nào thí sinh cần có sự phân tích, liên hệ, mở rộng vấn đề để có thể đạt được kết quả cao.

Về nhận định thí sinh liên quan đến câu 1(phần I) bị “lệch tủ”, cô Huệ cho rằng: có thể do thí sinh lựa chọn nội dung ôn tập chưa đúng trọng tâm. Tuy nhiên nếu đã học diễn biến của Cách mạng tháng 8-1945 ở Việt Nam thì chắc chắc thí sinh phải tìm hiểu qua nguyên nhân, ý nghĩa của cuộc cách mạng này vì đây là nội dung kiến thức cơ bản nằm trong SGK và trong cả phần nội dung ôn tập.

Theo Viết
MỚI - NÓNG