Để startup không còn là trò chơi may rủi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khởi nghiệp (startup) thành công là giấc mơ của rất nhiều người, nhưng với rào cản thị trường, kinh nghiệm, thời gian, giấc mơ để các startup chạm tay vào cánh cửa doanh nghiệp còn cả quãng đường dài. Thế nhưng, sự xuất hiện của “vườn ươm khởi nghiệp” đang mang một thế hệ khởi nghiệp kiểu mới: tham vọng hơn, giàu chất xám hơn và cũng… bình tĩnh hơn.

Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh song các doanh nghiệp có tính đột phá sáng tạo chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,1% trên tổng số các doanh nghiệp khởi nghiệp). Từ năm 2019, thị trường khởi nghiệp Thủ đô được tiếp sức bằng Đề án 4889 “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”.

Để startup không còn là trò chơi may rủi  ảnh 1

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng anh Hồ Xuân Vinh - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu hồi tháng 3/2022

Đề án đã mang đến sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và chặt chẽ trong việc thực hiện quy trình và yêu cầu đối với các doanh nghiệp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Đã có nhiều tín hiệu đáng mừng từ thực tế khởi nghiệp, những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã kịp thời ra đời, giờ đây các “vườn ươm” chỉ còn chờ những ý tưởng “cất cánh” và đột phá.

Tận dụng lợi thế nông nghiệp công nghệ cao

Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế là một đất nước nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp đa dạng ngành nghề vẫn là mảnh đất màu mỡ để người nông dân làm giàu và những người trẻ khai thác trên con đường lập nghiệp. Tuy nhiên, việc thuyết phục nhà nông mua sắm công nghệ không đơn giản, cần thêm kiên nhẫn của những người đủ đam mê với câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp. Nhiều chàng trai sinh ra từ làng đã tận dụng lợi thế từ tài nguyên bản địa để nung nấu ý tưởng vươn xa. Xu hướng này đang thổi một làn gió mới vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả…

Xuất phát từ những trăn trở về việc phát triển ngành nông nghiệp để mang lại giá trị cao cho bà con nông dân, anh Hồ Xuân Vinh và đội ngũ Abaca Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất sợi từ thân cây chuối góp phần tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm “xanh”. Người sáng lập Abaca chia sẻ: “Dù là loại cây ăn quả có diện tích trồng lớn nhất cả nước, khoảng 200.000 ha, tương đương 8 triệu tấn thân chuối hàng năm, song chỉ một phần nhỏ thân chuối được người dân sử dụng để làm thức ăn gia súc, phần còn lại trở thành phế phẩm nông nghiệp. 8 triệu tấn thân chuối hàng năm nếu được sử dụng công nghệ tách sợi của Abaca có thể tạo ra 400.000 tấn sợi, trị giá khoảng 1 tỷ USD”.

Hồ Xuân Vinh và các cộng sự đã nghiên cứu ra 5 dây chuyền công nghệ chế biến sợi, gồm: dây chuyền tách sợi thô, dây chuyền sản xuất sợi nguyên liệu dệt, dây chuyền dệt vải, dây chuyền sản xuất giấy từ sợi chuối và dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, nước dinh dưỡng cho cây trồng.

Để startup không còn là trò chơi may rủi  ảnh 2

Công nghệ chế biến sợi từ thân chuối – dự án nông nghiệp công nghệ cao tuần hoàn bền vững

Sợi chuối khô sau khi tuốt sạch được tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu, có thể đan thành túi, giỏ, khay, thảm... Những đôi dép bện từ tơ chuối được khách quốc tế ưa chuộng vì độ êm, mềm và thoáng mát. Những mảnh sợi vụn cũng được tận dụng để ép thành giấy, làm đèn lồng hoặc làm giấy vẽ tranh ấn tượng…

Giờ đây, khi thân cây chuối có thể mang về 1 tỷ USD mỗi năm, anh Hồ Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Abaca Việt Nam vẫn không quên cái cách mà dự án khởi nghiệp năm ấy có thể thành danh. Anh Vinh chia sẻ: “Sự ra đời của vườn ươm khởi nghiệp có thể xem là bà đỡ cho nhiều startup. Đối với những doanh nghiệp ngoài tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, các chuyên gia tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cố vấn nhiều về chuyên môn, giúp chúng tôi tập trung đúng phân khúc, trúng đối tượng khách hàng, làm tăng hiệu quả khi sản phẩm gia nhập thị trường”.

Ứng dụng công nghệ - không theo thì chậm

Khởi nghiệp là một hành trình, người khởi nghiệp mang nhiều ý tưởng hay nhưng để thu nhận được “quả ngọt” thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Với anh Chu Thành Bách, sự thành công bước đầu của dự án khởi nghiệp KeIDea - nền tảng ứng dụng xây dựng thói quen lành mạnh và tạo giá trị sống cho giới trẻ là nhờ thời điểm. Thời điểm mà chính nhà sáng lập cùng đội ngũ đã có độ chín về tư duy hành động, tư duy hòa nhập dòng chảy thị trường. Dự án KeIDea đã lọt vào vòng 3 Social Business Creation 2021 - cuộc thi sáng tạo kinh doanh toàn cầu do Trường Đại học HEC Montréal Canada và Đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức. Vui mừng đón nhận thành quả bước đầu nhưng chính lúc này, vấn đề đặt ra cho anh Chu Thành Bách và đội ngũ chính là giải quyết được bài toán kinh doanh. Vì vậy, với anh Bách, việc đạt giải khi tham gia những cuộc thi khởi nghiệp không phải điều quan trọng nhất mà cuộc thi đã cho những nhà khởi nghiệp một tinh thần dấn thân, biết sự thiếu sót và khắc phục nó sớm nhất có thể.

Bằng việc ứng dụng công nghệ, KeIDea có khả năng phân tích và tổng hợp dữ liệu bằng cách theo dõi thói quen và hành vi của người dùng, từ đó liên kết với các thương hiệu cung cấp cho người dùng những sản phẩm chất lượng và phù hợp. Cuối cùng, KeIDea là một phương tiện hữu ích để nhà tuyển dụng tìm được nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với yêu cầu công việc và văn hóa công ty. KeIDea và người sáng lập Chu Thành Bách vẫn còn cần thời gian để khẳng định vị trí trên thị trường. Dẫu chưa thể trở thành một doanh nghiệp nhưng họ đang mang trong mình “tinh thần khởi nghiệp” với khát vọng mang lại nhiều giá trị bền vững cho cộng đồng.

Giới đầu tư gọi COVID-19 là cái “máy lọc” startup tự động. Trước đây, người ta phải bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu, kiểm tra, làm rõ khả năng triển khai và phát triển của startup trước khi đầu tư. Giờ đây, COVID-19 đưa ra một phép thử quá nhanh cho tất cả startup trong hệ sinh thái. Tất cả, phút chốc chỉ quy về điều cơ bản nhất của triết lý cuộc đời: tồn tại hay không tồn tại. Sự lớn mạnh của các hệ sinh thái khởi nghiệp tạo điều kiện cho các startup đi “đường dài”. Nếu như mỗi ý tưởng khởi nghiệp là một “hạt giống”, thì để hạt giống ấy “đâm chồi” thì cần dựa vào những “vườn ươm”. Vườn ươm khởi nghiệp đang giúp cho hành trình startup không đơn độc. Dẫu vậy, đứng trước hệ sinh thái khởi nghiệp, mỗi startup cũng cần giữ cho mình bản sắc, tránh hòa tan, để từ “bước đệm” vườn ươm, hạt giống vươn mình thích ứng với cuộc đời, sẵn sàng dành tâm huyết mà bản thân đã ấp ủ tiếp tục chống chọi với sương gió và trưởng thành. Chúng ta có quyền hy vọng, những thay đổi mà hệ sinh thái khởi nghiệp mang lại sẽ ươm mầm cho những biến chuyển lớn trong một tương lai không xa.

Hồ Xuân Vinh và các cộng sự đã nghiên cứu ra 5 dây chuyền công nghệ chế biến sợi, gồm: dây chuyền tách sợi thô, dây chuyền sản xuất sợi nguyên liệu dệt, dây chuyền dệt vải, dây chuyền sản xuất giấy từ sợi chuối và dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, nước dinh dưỡng cho cây trồng.

MỚI - NÓNG