Dễ như... 'làm quan bóng đá'

Dễ như... 'làm quan bóng đá'
Làm quan chả có gì khó nếu không nói là dễ như ăn kẹo, ấy là chỉ nói chuyện bóng đá thôi đấy. Người ta đang nói vậy. Tất nhiên làm gì cũng có rủi ro, nhưng không sao cứ “có biến” thì tính sau.
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ từng nhiều lần bị chỉ trích vì xuất thân từ chuyên môn bóng rổ
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ từng nhiều lần bị chỉ trích vì xuất thân từ chuyên môn bóng rổ.

Đến thời điểm này, VFF vẫn luôn được coi là nơi chưa đạt được “chuẩn” trong việc điều hành nền bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, điều ấy xuất phát từ những nhân sự, những chiếc ghế điều hành mà cách gọi bình dân là “quan”.

Sự chỉ trích ấy không hề là nặc danh, ám chỉ mà rất cụ thể, cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 đã chứng minh điều đó khi các ông bầu đã không ngán ngại dùng cụm từ “kém cỏi” để hướng về các quan chức VFF.

Nhiều người đã thẳng tưng nói rằng, ông Hỷ là “dân” bóng rổ, nhờ làm quan chức uỷ ban Thể dục thể thao nên thành chủ tịch VFF, điều hành môn... bóng đá, nên không loạn mới lạ.

Để đáp lại, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã đăng đàn phát biểu rằng: “Có thể tôi không có chuyên môn bóng đá nhưng tôi có chuyên môn làm quản lý”. Nghe thì cũng có lý, bởi cái “chuyên môn quản lý” ấy nào ai có biết nó vuông tròn thế nào.

Tất nhiên, khi mà ông chủ tịch VFF lẫn các cán bộ dưới quyền như hội đồng huấn luyện viên, phó chủ tịch đều được đánh giá cao bởi kinh nghiệm quản lý, thì chuyện tuyển chọn nhân sự dưới quyền cũng y vậy mà làm.

“Nhận được sự đồng thuận cao” VFF trao quyền cho huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung quản lý đội U22 chuẩn bị cho SEA Games 2013. Gì chứ kinh nghiệm quản lý thì ông Chung có thừa, ông từng làm ở tổng cục Thể dục thể thao quản lý môn bóng đá, quản lý cả VFF. Ông lại đã từng là trợ lý nhiều đời HLV ngoại với nhiệm vụ ghi rõ là “quản lý”.

VFF có lẽ không ngờ rằng quy định “bọn Tây” nó khắt khe đến thế. Trong danh sách gửi đi đăng ký tham dự giải U22 châu Á, ban tổ chức đã yêu cầu phải thay HLV trưởng chỉ vì ông Chung chưa có bằng B về công tác huấn luyện.

Theo quy định quốc tế, cứ nắm đội tuyển cấp quốc gia là phải đủ bằng mới tin. Ban tổ chức chả buồn nghĩ đến cái kinh nghiệm quản lý đã có thừa, điều đã giúp ông Chung được tin tưởng giao việc. Ban tổ chức không không chịu “lưu ý” rằng, ở Việt Nam “chuyên môn quản lý” mới là thứ đáng trân trọng chứ bằng cấp thì đầy, có điều là không thích dùng đấy chứ.

Nhìn sang V-League mà xem, cò Đại hay bầu Kiên đều có thể làm cầm sa bàn chỉ đạo đội bóng mình tìm được chiến thắng, sau khi sa thải HLV đầy bằng cấp đấy thôi, B với chả C cái gì.

Thì thay thôi, có sẵn HLV Lư Đình Tuấn đầy đủ bằng cấp và đang thất nghiệp, VFF trao luôn U22 cho ông Tuấn. Ngày 22-5 này, nếu không có gì thay đổi VFF sẽ chính thức công khai chuyện thay ông Chung bằng ông Tuấn.

Người ta vẫn nói rằng, bóng đá là tấm gương phản chiếu lại đời sống xã hội với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố. Thậm chí nhiều người còn vin vào chuyện chả có gì dễ như làm quan ở môn bóng đá, nghỉ hưu thì làm chủ tịch, thất nghiệp thì thành HLV trưởng, biết bóng rổ thì làm bóng đá... để cho rằng chuyện biết hát, đàn thì làm giao thông, làm kinh tế lỗ thì được làm cục trưởng hàng hải... chỉ là “chuyện bình thường ở huyện”.

Lý nào lại thế, chả lẽ lại giống thế?!

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG