> Dang dở nhiều công trình kiên cố hóa trường học
Một trường học ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đang được xây mới. Ảnh minh hoa: Trung Kiên. |
Đề án Kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 (gọi tắt là Đề án) được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu xóa bỏ phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại, đồng thời cải thiện chỗ ở cho giáo viên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Tổng số phòng học đầu tư xây dựng khoảng 141.300 phòng; diện tích nhà công vụ cho giáo viên dự kiến khoảng 1,6 triệu m2 với tổng số vốn đầu tư 25.200 tỷ đồng. Nguồn kinh phí chủ yếu từ trái phiếu Chính phủ, ngân sách các địa phương và một phần từ huy động đóng góp (khoảng 2.000 tỷ đồng).
Vượt dự toán, chậm tiến độ
Sau quá trình thanh tra việc thực hiện Đề án tại các bộ GD&ĐT, KHĐT, Tài chính và UBND các tỉnh giai đoạn 2008-2011, TTCP ghi nhận tính hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục và hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nghiệm thu thanh toán, thực hiện chính sách thuế…
Ngày 19/8, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 6907/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kết quả thanh tra Đề án. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với nội dung kết luận của TTCP; giao các bộ GD&ĐT, Tài chính, KHĐT, NN&PTNT cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm túc kiến nghị của TTCP, báo cáo Thủ tướng trong quý IV năm 2013. |
Theo tài liệu của TTCP, trong giai đoạn 2008-2011, số vốn các địa phương được phân bổ là hơn 28,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 113% so với kế hoạch cả giai đoạn (chưa kể tháng 5/2012, các địa phương còn bổ sung thêm 1.600 tỷ đồng vốn trái phiếu để thực hiện Đề án), nhưng số lượng phòng học và nhà công vụ mới xây dựng được 111.298 phòng, đạt 60,7% kế hoạch.
Nguyên nhân của sự ì ạch trên được cơ quan chức năng lý giải do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, dẫn đến chủ trương cắt giảm chi tiêu công, giá cả leo thang trong khi đơn giá xây dựng trung bình lại được áp ở thời điểm năm 2007 gây khó khăn cho việc thực hiện...
Mặt khác, ở các địa phương còn tình trạng bố trí chưa đúng mục tiêu, đối tượng thụ hưởng của Đề án. Trong khi có những công trình, dự án đang xây phải dừng lại do thiếu vốn thì ở một số địa phương (Quảng Ngãi, Hà Giang, Bắc Giang, Đắk Nông) lại phân bổ vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
Sai phạm ở nhiều khâu
Đề án kiên cố hóa trường học được Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt, nhưng một số tỉnh, thành lại chưa quan tâm thỏa đáng cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành. Vì thiếu sự kiểm tra, giám sát nên đã xảy ra vi phạm về chấp hành quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản.
TTCP xác định, sai phạm xảy ra ở nhiều khâu, từ khảo sát, thiết kế cho đến giám sát thi công và nghiệm thu, thanh toán. Cụ thể, đoàn thanh tra phát hiện có công trình bị thiếu khối lượng so với bản vẽ thiết kế; sai chủng loại vật tư nhưng tư vấn giám sát không kịp thời phát hiện dẫn đến chất lượng một số công trình chưa đảm bảo yêu cầu, vừa đưa vào sử dụng đã bị lún, nứt tường, nền gạch bong tróc, thiết bị điện hỏng hóc.
Đáng chú ý, ngoài việc áp sai chủng loại, khối lượng thi công, đơn giá khi thanh toán, hoặc chưa thi công đã nghiệm thu thanh toán (Hưng Yên, Quảng Bình, Ninh Bình, Sơn La, Sóc Trăng) thì có nơi còn chi hơn 2 tỷ đồng để thanh toán cho công trình không thi công.
Kiến nghị xử lý kinh tế 215 tỷ đồng
Thanh tra tại 47.943 phòng học, nhà công vụ đã triển khai xây dựng, cơ quan thanh tra thuộc các địa phương đã phát hiện vi phạm, sai phạm trong việc thực hiện quy định về quản lý đầu tư, nghiệm thu thanh toán, thực hiện chính sách thuế…với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng. Theo đó, cơ quan chức năng kiến nghị xử lý hành chính 263 tập thể và 200 cá nhân; chấn chỉnh quản lý đối với 282 đơn vị.
TTCP cũng kiến nghị các bộ, địa phương tổ chức chấn chỉnh quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát; tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan sai phạm. Đồng thời, kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền 215 tỷ đồng, gồm: 57 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ do 11 địa phương sử dụng không đúng quy định; nộp ngân sách 33 tỷ đồng, giảm trừ quyết toán 44 tỷ đồng, xử lý đúng pháp luật các khoản sai phạm gần 64 tỷ đồng và 17 tỷ đồng các khoản khác...