Đề nghị Quốc hội giám sát việc phòng chống xâm hại trẻ em

Quyền trẻ em cần được giám sát và bảo vệ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Quyền trẻ em cần được giám sát và bảo vệ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ.   

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ giám sát 1 chuyên đề. Tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm…

Trên cơ sở kết quả lựa chọn, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội: Chuyên đề 1, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; chuyên đề 2, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.

Cho ý kiến về việc lựa chọn các nội dung giám sát, hầu hết các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn chuyên đề 1 và 2 để trình ra Quốc hội, trong đó chuyên đề 1 nhận được nhiều đại biểu đồng tình. “Đứng ở góc độ tư pháp, liên quan tới việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trong thời gian qua, Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề này. Tôi cho là việc này được đa số đại biểu Quốc hội thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Không chất vấn tất cả các trưởng ngành

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5 tới. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội đang khẩn trương phối hợp, hoàn thiện ứng dụng cung cấp thông tin trên thiết bị di động để phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này. 

Ông cũng đề nghị nghiên cứu thực hiện xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau để tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến, có kết quả kịp thời cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo. Nội dung và các phương án xin ý kiến sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu trước khi thể hiện chính kiến thông qua hệ thống điện tử.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày (dự kiến từ 20/5 -13/6), trong đó sẽ bổ sung 4, rút 3 dự án luật. Đáng chú ý tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn bằng việc lựa chọn các chuyên đề như thường lệ, không chất vấn tất cả các trưởng ngành như kỳ họp trước. 

MỚI - NÓNG