Đề nghị nghiên cứu quy trình phù hợp thực hiện trách nhiệm tái chế chất thải

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội vừa có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ ngành liên quan nghiên cứu quy trình phù hợp thực hiện trách nhiệm tái chế chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.
Đề nghị nghiên cứu quy trình phù hợp thực hiện trách nhiệm tái chế chất thải ảnh 1

Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ thúc đẩy tăng cường tái chế, tái sử dụng, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ảnh minh họa: tỷ lệ thu hồi, tái chế rác thải ở Việt Nam còn khá thấp.

Liên quan đến quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi, tái chế sản phẩm của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, mới đây đại diện nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động môi trường đã có thư kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy triển khai các quy định liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi, tái chế sản phẩm.

Thư kiến nghị đề nghị không lùi thời điểm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (cơ chế EPR). Cùng với đó, tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc, tăng và minh bạch mức đóng góp tài chính để đảm bảo thực hiện các chiến lược quốc gia về môi trường, quy định rõ vai trò của các tổ chức khoa học ngoài công lập về môi trường và Hội bảo vệ người tiêu dùng trong Hội đồng EPR quốc gia và trong giám sát thực hiện cơ chế EPR ở Việt Nam.

Các tổ chức, cá nhân cũng kiến nghị nguồn đóng góp từ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải được chi trực tiếp cho tái chế, xử lý chất thải, cụ thể tăng cường hỗ trợ địa phương xử lý chất thải.

Phản hồi các kiến nghị trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có văn bản gửi Văn Phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị nghiên cứu các nội dung cụ thể trong thư kiến nghị, trong đó tập trung nghiên cứu quy trình phù hợp thực hiện trách nhiệm tái chế chất thải để hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo tính khả thi của Luật.

Bên cạnh đó, cân nhắc mức đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường. Hoàn thiện quy định về Quỹ bảo vệ môi trường, đảm bảo công khai việc tiếp nhận và sử dụng đóng góp hàng năm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu để hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Nghiên cứu bổ sung thành phần đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng trong Hội đồng EPR quốc gia để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở góc độ giám sát việc sử dụng các nguồn tài chính gián thu từ người tiêu dùng.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng nhấn mạnh, Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu là chế định quan trọng trong Luật bảo vệ môi trường, nhằm thúc đẩy tăng cường tái chế, tái sử dụng, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, việc quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong thu hồi, tái chế sản phẩm tạo lập hành lang pháp lý thúc đẩy tái chế rác thải ở Việt Nam là điều rất cần thiết, thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

MỚI - NÓNG