Đề nghị đưa ngành chế biến thủy sản ra khỏi danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

0:00 / 0:00
0:00
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ
TPO - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT, góp ý và đề nghị sửa đổi một nội dung quan trọng trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2021 đang được Bộ TN&MT hoàn tất.

Những kiến nghị của VASEP liên quan đến bất cập trong quy định xếp các cơ sở chế biến thủy sản (CBTS) vào “Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” ở mức độ 3 (phụ lục 2 của dự thảo).

Theo VASEP, các quy định này là chưa phù hợp cả về thực tiễn sản xuất lẫn cơ sở pháp lý. Cụ thể, trong thực tế sản xuất, ngành CBTS không phát sinh các chất gây ô nhiễm nhiều hơn các ngành chế biến thực phẩm khác như kẹo bánh, sữa, cà phê, chè... nhưng các nhà máy này không bị quy vào mức độ 3 về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như ngành CBTS.

Về nước thải, các nhà máy CBTS đều đã đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Nước thải CBTS chủ yếu là từ nguồn nước rửa thủy sản nên các chỉ tiêu trong nước thải chủ yếu có nguồn gốc từ cơ thịt thủy sản và các phụ gia thực phẩm, đều là những chất từ tự nhiên và ăn được đối với con người, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.

Về chất thải rắn, các chất thải rắn chính trong quá trình chế biến chủ yếu là các phế liệu từ thủy sản như xương cá, da cá, mỡ cá, vỏ tôm, đầu tôm, vỏ ngao, sò... hoặc một số túi nylon, bao bì carton...

Các phế liệu thủy sản đa phần được các cơ sở bên ngoài thu gom để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như sản xuất thức ăn chăn nuôi, dầu biodiezel, chitin, chitosan, collagen...

Vỏ ngao, sò, ốc, hến... cũng thường được một số cơ sở thu mua để làm nguyên liệu sản xuất đồ mỹ nghệ, xay ra thành bột, trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng lượng canxi cho vật nuôi, lấp đất, lấp đường... hoặc nếu phải bỏ đi thì cũng không phân hủy tạo thành các chất thải nguy hại…

VASEP cho rằng, trong khi nước thải sinh hoạt được coi là nước thải thông thường và các nguồn xả thải không bị xếp vào loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì theo dự thảo, nước thải CBTS lại bị xếp vào mức 3 của loại hình này. Điều này mâu thuẫn với chính các quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ TN&MT ban hành…

“Để ngành thủy sản, một ngành hàng trọng điểm của nền kinh tế có các cơ hội thực hiện tốt chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 như Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giúp các doanh nghiệp thủy sản nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

VASEP đề nghị Bộ trưởng và ban soạn thảo dự thảo sớm xem xét đưa ngành CBTS ra khỏi “Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” quy định tại Phụ lục 2 của dự thảo để ngành hàng thực hiện được tốt nhất cả các yêu cầu về môi trường - kinh tế - sinh kế” – VASEP kiến nghị.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.