Tranh thủ buổi tối, bà Trần Thị Vân ( xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) ra vườn chăm sóc hoa Tết |
Khi màn đêm buông xuống, trên những ruộng hoa Tết của bà con nông dân huyện Nghi Lộc, Nghệ An lại lung linh ánh đèn. Những chiếc bóng đèn huỳnh quang loại nhỏ công suất từ 15 đến 20W được lắp đặt với mật độ mỗi bóng cách nhau hơn 1m. Ánh sáng và hơi nóng từ bóng điện sẽ giúp cây hoa cúc nhanh đẻ nhánh, phát triển tốt. Dưới ánh đèn điện xuyên đêm, đôi tay người nông dân miệt mài chăm sóc các luống hoa.
Trong tiết trời se lạnh, bà Trần Thị Vân (SN 1970, trú xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc) tất bật chăm sóc những luống hoa vừa xuống vụ gần một tháng. Bà cho biết, vụ này gia đình trồng 4 sào hoa Tết, chủ yếu là cúc, ly,.. Năm nay thời tiết mưa nhiều, hoa thường xuyên bị nấm và sâu bệnh nên chậm phát triển. Để cây hoa phát triển tốt, kịp thời, gia đình bà sử dụng hệ thống điện thắp sáng để chong thâu đêm để cây hoa phát triển theo ý muốn. “Thắp đèn để biến đêm thành ngày, kích thích cây hoa tiếp tục sinh trưởng vào buổi tối, giúp cây nhanh phát triển. Cây hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp, cao lớn hơn, thân thẳng, đặc biệt là nở đúng thời gian mình muốn”, bà Vân chia sẻ.
Theo bà Vân, hoa cúc là giống cây ngắn ngày, rất nhanh có hoa. Nếu chỉ dựa vào thời tiết tự nhiên, cây sẽ không đủ ánh sáng để đạt độ cao thích hợp trước khi ra hoa. Nếu trồng hoa thông thường không dùng điện thì ngọn sẽ không vươn cao, cây hoa chỉ cao khoảng 40cm và nở rất sớm. Nhưng khi được sưởi ấm bằng bóng đèn điện thì cây hoa có thể cao từ 70-80cm, bông hoa to, cánh dày, màu sắc rực rỡ hơn.
Với những người trồng hoa, Tết Nguyên đán là vụ mùa quan trọng và được mọi người trông đợi nhất trong năm. Bà con nông dân thường ăn, ngủ cùng hoa, kỳ vọng hoa nở đúng vụ, bán giá cao để đón cái Tết ấm no, đủ đầy.
Kinh nghiệm gần 7 năm trồng hoa bán Tết, ông Võ Văn Sỹ (SN 1975, trú xã Nghi Hoa) bảo, thời tiết cuối năm thất thường, nên phải thường xuyên túc trực ngoài vườn, chăm sóc cho hoa, theo dõi cây phát triển, điều chỉnh chế độ ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng phù hợp để hoa nở đúng dịp bán Tết. “Tuỳ vào điều kiện kinh tế của từng hộ mà lựa chọn các loại bóng điện có công suất khác nhau. Các bóng đèn được thắp sáng từ 18h hôm trước đến khoảng 5h sáng hôm sau, kéo dài liên tục 30-45 ngày. Sau khi xuống giống tầm 5-7 ngày, gia đình bắt đầu chong đèn nuôi hoa. Khi cây đã phát triển ổn định thì ngắt chiếu sáng”, ông Sỹ cho hay.
Để những luống hoa khoe sắc đúng dịp Tết, ông Sỹ đã phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu từ khâu làm đất, khử độc, ươm giống cho đến theo dõi tình hình thời tiết. Ngoài việc chong đèn, ông còn chú trọng đến việc điều chỉnh quá trình ra lá, phát chồi, tăng trưởng chiều cao và đường kính của thân cây.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, Nghệ An, trên địa bàn luôn duy trì gần 6ha hoa Tết, tập trung chủ yếu ở các xã Nghi Trung, Nghi Long và Nghi Hoa. Bà con thường chọn những vùng đất cao, ít ngập úng để canh tác. Theo những người có nhiều kinh nghiệm trồng hoa Tết, để trồng và thu hoạch đúng vụ, cần áp dụng chế độ chăm sóc khoa học.