Và có thể, khi đọc xong bài viết bạn sẽ muốn cùng trao đổi với tác giả và chúng tôi về vấn đề này.
10 tỷ USD lớn thế nào?
Một lần, đọc một tờ báo lớn, thấy dư luận đang hết sức phấn khởi với một dự án của nước ngoài trị giá khoảng một tỷ USD vừa được ký kết. Sự kiện này sau đó đã được nêu trên trang nhất của nhiều nhật báo lớn. Thì ra, một tỷ USD là rất lớn, có thể xây được 2 cây cầu như cầu Cần Thơ!
Khái niệm “nội lực”
Bây giờ, nếu hỏi một sinh viên triết hoặc ngữ văn, tìm những khái niệm của hai chữ “nội lực” thì chắc sẽ có những liệt kê ở hàng đầu như sau:
Nội lực là: Tài nguyên, Dân số, Vị trí khu vực, Biển và có thể liệt kê nhiều hơn như thế.
Đúng cả đấy! Phàm những cái gì sinh ra, tàng trữ, phát triển được trong sự quản lý của dân, của nước đó để đem lại lợi ích kinh tế cho mình thì đó đích thị là “nội lực”. Nhưng, mở rộng ra, ở thời buổi của trí tuệ, sáng tạo người ta còn thấy bóng dáng của hai chữ “nội lực” sinh động hơn nhiều.
Năm 2002 tôi đi tìm tư liệu để viết bài “Bảo vệ rừng nhìn từ PGT” thì bừng tỉnh ra một loại “nội lực” khá độc đáo: Nội lực từ những thứ đã… bỏ đi.
Tập đoàn PGT từ nước Australia đến KCN Sóng Thần tìm kiếm, sản xuất, kinh doanh từ phế liệu. Họ lượm lại hàng trăm ngàn mét khối palet, bao bì gỗ, thùng chứa hàng bằng gỗ rồi xử lý, ghép, chế biến ra những sản phẩm gia dụng, văn phòng rất đẹp rồi xuất khẩu sang phương tây, thu về mỗi năm cả triệu USD.
Đối với họ, từ “ Recycl” là một sự nghiệp lớn!
Ngành hàng của PGT ngoài các ý nghĩa giải quyết hàng chục ngàn công ăn việc làm cho dân Việt ra, nó có ý nghĩa thiết thực rất lớn trong việc bảo vệ rừng. Mỗi năm, hàng ngàn mét khối hàng hóa đồ gỗ ra đời mà hàng chục ngàn hécta rừng không bị chặt phá nên nó được miễn thuế. Thu nhập của nhà kinh doanh, sản xuất và công nhân rất cao!
Thì ra, “nội lực” còn là khả năng phát hiện, xử lí và phát triển những cái tưởng như bỏ đi để phục vụ cho cuộc sống.
Như vậy, nếu mở rộng nội hàm của cụm từ “ nội lực” ra thì thấy có nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa lớn nhất là ta đã phung phí nguồn nội lực đang có.
“Nội lực” với những dấu nhân khủng khiếp
1- Trong việc lập thủ tục hợp thức hóa (HTH) nhà đất, có một việc là đo vẽ. Sau khi ký hợp đồng với nhà dịch vụ, nộp bạc triệu xong, gia chủ đón hai nhà chuyên môn vào cùng với những phương tiện quan trắc, đo đếm hiện đại lỉnh kỉnh vào ngắm nghía, đo đạc, ghi chép nhanh là nửa buổi, nhiều khi vài ngày mới xong rồi họ về lên một bản vẽ chi tiết đến từng xăng ti mét ở chiều cao, chiều rộng từ cái toilet trở ra đến buồng ngủ, gác xép…
Nếu có gì đó sai sót so với bản vẽ tiền khởi hoặc các chứng từ, hồ sơ trước đó thì coi chừng... Chưa hết, trong mớ hồ sơ ở một số nơi còn có trò buộc khổ chủ phải đăng 3 số liên tiếp trên báo chí.
Cái nhà ở thực chất là một công cụ sống, luôn cần được chỉnh trang, cải sửa, nâng cấp cho phù hợp với các nhu cầu của cuộc sống, thực chất không liên quan hoặc không làm thay đổi ý nghĩa của sở hữu chủ ngôi nhà. Trong cái nhà xưa có 3 buồng nay thêm một buồng cho cậu hai ở riêng tuyệt nhiên không làm thay đổi tư cách chủ nhân đã đăng ký, sở hữu ngôi nhà.
Tôi đã đọc kỹ những văn bản HTH nhà ở của chế độ cũ, nó chỉ ghi nhận diện tích đại thể kèm bản sơ đồ chỉ vị trí là xong. Cơ quan quản lý chỉ có một việc là xác định tư cách chủ sở hữu của người dân với khối tài sản này về mặt đại thể thôi.
Việc đăng báo càng kỳ cục hơn. Chắc gì người muốn thắc mắc đã đọc báo và cũng chưa có định chế nào ghi nhận đã “đăng báo” là hợp thức , là miễn thắc mắc cả. Không thiếu những ngôi nhà đã hợp thức, đã đăng báo vẫn có sai sót phải hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở là chuyện thường, vậy thì đăng để làm gì?
Nhưng, ngay trong hai nét “nho nhỏ” này thôi, có thể khổ chủ đã tiêu tốn từ một đến hai triệu đồng cho việc HTH ngoài khoản lệ phí chính đáng phải có.
Nếu nhân thật nhanh hơn triệu bạc tiền đăng báo và đo đạc chi tiết ấy với mươi triệu ngôi nhà ở đô thị đã và sẽ phải HTH này thì một cục… nội lực rất lớn.
*
2- Từ năm năm trở lại đây, khi những cái máy bắn tốc độ được đưa vào kiểm soát tốc độ xe cơ giới đồng thời với hiệu lực của việc áp dụng các biện pháp hạn chế tốc độ ở trên 95% chiều dài đường bộ Việt Nam. Một điều được dư luận và giới chuyên môn chỉ ra là thiếu thực tế và chậm hơn mức an toàn ít nhất mười km/h.
Với tốc độ tối đa cho xe tải lớn trong đô thị là 40 km/h ngoài đô thị là 60 - 70 km, xe du lịch hơn lên 10 km/h cùng với vô vàn lằn giảm tốc trên đường bộ hiện nay, mỗi ngày một đầu xe bình quân hao tốn hơn bình thường một lít nhiên liệu cho một ca xe (300km) là chuyện không phải bàn. Nước ta hiện có 1,6 triệu xe thì mỗi ngày mất 1,6 triệu lít nhiên liệu trị giá 24 tỷ đồng. Như vậy, mỗi giờ mất đứt một tỉ đồng.
Ngoài ra, cũng bởi trở lực kiểu này, cứ mỗi ca xe bị chậm trễ cỡ một giờ đồng hồ, thì lại thêm một cục “nội lực” cỡ triệu rưỡi giờ một ngày bay vào hư vô. Cái đại lượng thời gian và xăng dầu này nghe thì mông lung hư ảo, mỗi xe mất một lít, mỗi người chỉ mất một ít có vẻ… chịu được.
Đi làm đến năm giờ chiều về, nay chậm đến bảy giờ cũng chẳng sao nhưng nếu cứ gom nó lại cho một năm sẽ là con số ghê người: bảy chục triệu ngày công mỗi năm. Quy từ năng lực nhân công, lương bổng và khấu hao vật chất ta thấy dư đủ năng lực lao động vận tải thi công một nhà máy thủy điện lớn cỡ Hòa Bình, Yaly. Với 5 năm trời, năm lần hơn thế nữa thì nó ứng với số năng lực vận tải đủ để làm thêm một con đường cao tốc từ Hà Giang vào đến Cà Mau!
Toan tính trên đây hoàn toàn là thực tế được thể hiện bằng số học cơ bản, chưa cần lập phương trình bậc nhất. Nó chính là cái năng lực đã có bị mất đi mà không đem lại lợi ích. Xăng dầu đã mất đi, sức máy đã mất đi, sức người đã mất đi nhưng hiệu ứng kinh tế thì không được thêm gì cả.
* *
*
3- Với quy trình đào tạo đại học ở ta hiện nay, xin nêu ví dụ hẹp là với ngành Xây dựng, Tin học, Ngoại ngữ, Ngoại thương, Sư phạm, cơ khí động lực, giao thông... thường phải dùng quỹ thời gian bốn năm rưỡi, kể cả thời gian làm luận văn tốt nghiệp.
Với những môn học tương đương, ở Úc, Mỹ, New Zealand người ta đào tạo ít ta hơn một năm. (Ở trường quốc tế RMIT của Úc tại tpHCM, để có chứng chỉ đại học cho môn ngoại ngữ, SV ra trường có khả năng thực hành tốt hơn các đại học ngoại ngữ ở Việt Nam chỉ mất gần 3 năm, các ĐH ngoại ngữ của ta là 4 năm).
Như vậy, chỉ tính mỗi cử nhân ra khỏi trường đại học là đã mất 01 năm lãng phí so với những nền giáo dục chuẩn mực.
Nếu có một năm đó để lao động, để vừa rèn luyện tay nghề và sinh lợi phục vụ cuộc sống từ việc ra trường thì chúng ta có thể tận dụng được một nội lực khổng lồ khi tạm nhân ba triệu cử nhân đã tốt nghiệp đại học với một năm trời. Mỗi tháng lương chỉ tính ba triệu bạc thôi thì lớp trẻ có ăn có học này đã có thể kiếm được chín ngàn tỷ đồng mỗi tháng cho họ và xã hội sẽ được hưởng chất lượng lao động tri thức khá cao từ nguồn này.
Còn nữa