'Đế chế Napoleon': Anh hùng hay bạo chúa?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hoành tráng, mãn nhãn và công phu là những cảm nhận đầu tiên về bộ phim mới nhất của đạo diễn Ridley Scott. Không phải ngẫu nhiên ''Đế chế Napoleon'' đang phá đảo các phòng vé ngay tại quê hương của nhân vật lịch sử này. Thế nhưng, khán giả vẫn hoang mang, chốt lại là đạo diễn đang giễu nhại hay tụng ca Hoàng đế?

Với kinh phí 120 triệu USD, Đế chế Napoleon được đánh giá là bộ phim sử thi chiến tranh kinh phí lớn của Ridley Scott. Liên quan đến vị Hoàng đế phức tạp mà người đời sau chưa bao giờ thống nhất trong việc đánh giá ông: Là anh hùng hay bạo chúa, không ít nhà văn, đạo diễn đã “đâm đầu phải đá” khi những sáng tạo của họ không lại với lịch sử.

'Đế chế Napoleon': Anh hùng hay bạo chúa? ảnh 1

Ridley Scott có vẻ cũng khiến người hâm mộ Napleon thất vọng. Phim tái hiện cuộc đời của Napoleon Bonapartre (do nam diễn viên đoạt giải Oscar Joaquin Phoenix thủ vai) trong các dấu mốc lịch sử như cuộc Cách mạng Pháp, vụ hành quyết nữ hoàng Marie Antoinette, từ lúc còn giữ chức vụ đại úy pháo binh sang chức tướng quân, chiến thắng trong cuộc vây hãm Toulon năm 1793, lên ngôi Hoàng đế năm 1804 cho đến khi ông bị phế truất, lưu đày rồi qua đời trên đảo Saint - Helena năm 1821.

'Đế chế Napoleon': Anh hùng hay bạo chúa? ảnh 2

Cảnh Napoleon lên ngôi Hoàng đế năm 1804.

Được quay trong ánh sáng lạnh, hầu hết bối cảnh trong phim đều lấy mùa thu làm chủ đạo với lớp lớp sương mù đọng trên những cành cây trụi lá khiến tổng thể bộ phim có vẻ ngoài khá đen tối. Phim có ít diễn viên trẻ, Bonaparte 24 tuổi (trong phim) do Joaquin Phoenix 50 tuổi thủ vai, hết hơi từ đầu đến cuối với vẻ ngoài trống rỗng, nước da xám xịt và cái nhìn u ám.

Vị Hoàng đế huyền thoại trong phim được xây dựng từ nền tảng của đứa trẻ bị mẹ bạo hành, khiến cho khi đứa trẻ ấy trưởng thành thì trở thành một người đàn ông tàn bạo, ngay cả với người yêu của mình, cụ thể ở đây là Joséphine.

Bộ phim lấy trục chính là tình yêu của Napoleon và Joséphine, một góa phụ hơn ông sáu tuổi, đã là mẹ của 2 đứa trẻ nhưng chinh phục Napoléon từ ánh mắt đầu tiên và cũng là mối tình khiến ông đau đáu suốt đời.

'Đế chế Napoleon': Anh hùng hay bạo chúa? ảnh 3

Bộ phim lấy trục chính là tình yêu của Napoleon và Joséphine.

Những khán giả ngôn tình đã chờ đợi một cuộc tình yêu hận tình thù khắc cốt ghi tâm. Thế nhưng, thực tế, trong tình yêu, Napoleon lại như cậu bé vụng về, trẻ con, thiếu quyết đoán và yếu đuối, thậm chí có phần độc ác.

Những gì mà Napoleon thể hiện trên phim khác xa điều mà lịch sử kể lại. Bonaparte đôi khi ngu ngốc, lố bịch, và thường xuyên ở trạng thái thờ ơ. Hình ảnh ấy có vẻ không liên quan gì đến một nhà chiến lược quân sự sắc bén bẩm sinh, một chính khách khôn khéo, càng là khác xa một anh hùng.

Hãy nhớ rằng, khi đánh giá về nhân vật này, đại văn hào Stendhal từng nhận xét: “Ông ấy như thể đến từ thời điểm khác, ngang hàng với Caesar hay Alexander”.

'Đế chế Napoleon': Anh hùng hay bạo chúa? ảnh 4

Lịch sử nước Pháp ghi nhận Napoleon là anh hùng.

Người xem sẽ không thấy gì về công việc lập pháp của Napoleon, cũng như họ sẽ không thấy gì về những nhân vật đầy màu sắc, cả chính lẫn thứ yếu, của giai đoạn lịch sử hấp dẫn này. Cả Fouché lẫn Murat, Lannes hay Marie Walewska, và Talleyrand gần như không tồn tại, khiến rất nhiều khán giả am hiểu lịch sử tiếc nuối.

Chưa kể, Đế chế Napoleon có nhiều lỗi lịch sử. Chiến dịch Ý giống như chưa bao giờ tồn tại trong khi nó là một dấu mốc không thể bỏ qua trong sự nghiệp của Napoleon. Hay cái cảnh Bonaparte bắn đại bác vào các kim tự tháp rõ ràng hoàn toàn sai so với lịch sử.

Ngoài ra, Napoleon không được miêu tả là một tướng quân hiếu chiến, sát phạt, quyết đoán, trái lại được thể hiện gần gũi với binh lính của mình, tự mình phân phát bánh mì cho họ. Điều này cường điệu đến mức khiến người xem phì cười.

'Đế chế Napoleon': Anh hùng hay bạo chúa? ảnh 5

Những cảnh chiến tranh được dàn dựng công phu, hoành tráng.

Tất nhiên, giống như chính đạo diễn Ridley Scott từng thừa nhận, phim ảnh không phải là lịch sử, nó không có nghĩa vụ trung thành với lịch sử. Song, nếu bỏ qua tất cả so sánh với nguyên tác, Đế chế Napoleoncũng khó thuyết phục người xem khó tính vì một kịch bản nhiều lỗ hổng và nhân vật chính – một anh hùng không đủ hấp dẫn.

Ngoại trừ điểm cộng là trang phục và những cảnh chiến trường. Toàn bộ trang phục trong phim đều được đầu tư công phu và trau chuốt. Còn các cảnh chiến trường thì hoành tráng, bi thương nhưng vẫn duy mỹ một cách đầy đau đớn, nhất là ở những đại cảnh lấy xuất phát điểm là góc nhìn của Napoléon từ trên cao.

'Đế chế Napoleon': Anh hùng hay bạo chúa? ảnh 6

Ridley Scott được coi là bậc thầy của dòng phim chiến tranh.

Trận chiến Austerlitz năm 1805 trong phim được mô tả rất hoành tráng: Những viên đạn đại bác xuyên qua khối băng khiến ngựa và binh lính rơi xuống mặt nước vấy đầy những vệt máu. Tất cả trông tao nhã đến nỗi trong tích tắc, bạn quên mất cảm giác kinh hoàng. Dĩ nhiên, điều này cũng không khó lý giải khi Ridley Scott được coi là bậc thầy của dòng phim chiến tranh.

MỚI - NÓNG