ĐBSCL: Thưa thớt nhà thiếu nhi

ĐBSCL: Thưa thớt nhà thiếu nhi
TP - Ở ĐBSCL sân chơi thiếu nhi bị xén bớt cho người lớn, trong khi cán bộ Đoàn, Đội phải gồng mình lo chuyện vui chơi cho thiếu nhi mỗi dịp hè về.

Cơ sở vật chất thiếu và yếu

Từ năm 2000, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định phê duyệt dự án xây Khu văn hóa thanh thiếu niên Bạc Liêu, tại khu đất rộng gần 4,5 ha tại nội ô TP Bạc Liêu. Sau đổi thành Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm, với gần 10 năm trình lên, duyệt xuống, năm 2008, Chủ tịch UBND thị xã Bạc Liêu điều chỉnh quy hoạch, thu hẹp Nhà thiếu nhi chỉ còn 1,9 ha. Phần diện tích bị điều chỉnh bớt của dự án này được dành xây khu dịch vụ thương mại, khu tái định cư, đường...

Anh Phạm Thành Duy, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, kiêm GĐ Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêu nói: “Nhà thiếu nhi vừa được thành lập dự án nhà thiếu nhi đang chờ Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt. Theo dự toán đầu tư dự án 67 tỷ đồng”.

Các huyện của tỉnh Bạc Liêu chưa có nhà thiếu nhi, thậm chí chưa lập dự án. Tỉnh Bạc Liêu chưa có nhà thiếu nhi hoặc trung tâm sinh hoạt văn hóa đúng tầm cho hơn 260.000 thanh niên, thiếu niên (TNTN) Bạc Liêu sinh hoạt văn hóa.

Tỉnh Sóc Trăng chỉ có Nhà thiếu nhi tỉnh hoạt động khá hiệu quả với các lớp năng khiếu âm nhạc, vi tính, hội họa, võ thuật... Trong những dịp hè, nơi đây trở nên chật hẹp không đáp ứng hết nhu cầu vui chơi của TNTN. Bởi vì tỉnh chưa có hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện. Anh Ngô Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng cho biết: “Cấp huyện chỉ có Nhà thiếu nhi huyện Long Phú nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, chưa có dự án xây dựng các nhà thiếu nhi các huyện còn lại”.

Ở Cà Mau, Nhà thiếu nhi tỉnh Cà Mau xây dựng trên diện tích gần 2.000 m2 sau nhiều lần bị xén bớt để xây dựng trụ sở cơ quan, mở rộng đường giao thông. Tình trạng quá tải trong dịp lễ, tết và sinh hoạt hè hiện rõ trong khuôn viên khiêm tốn. Các nhà thiếu nhi huyện Năm Căn, Thới Bình đã đưa vào hoạt động, Nhà thiếu nhi Trần Văn Thời, Cái Nước, U Minh đang được triển khai xây dựng. Anh Nguyễn Minh Luân, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau cho biết: “Đến thời điểm này, còn ba huyện là Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Phú Tân chưa triển khai dự án nhà thiếu nhi”.

Chị Lê Hồng Thắm, Phó bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang thì cho biết, nhu cầu vui chơi của các em thiếu nhi rất lớn nhưng cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư, quản lý không được bao nhiêu. Kiên Giang hiện có bốn huyện không có nhà thiếu nhi, tập trung ở các huyện vùng sâu, vùng xa, hải đảo như: U Minh Thượng, An Minh, Giang Thành và huyện đảo Kiên Hải. Một số nơi có nhà thiếu nhi nhưng hoạt động không hiệu quả, cơ sở vật chất xuống cấp. Kinh phí quá eo hẹp nên hoạt động nghèo nàn. Cơ chế hoạt động cũng không linh hoạt.

“Sân chơi” của trẻ em vùng sâu ĐBSCL
“Sân chơi” của trẻ em vùng sâu ĐBSCL.

Xã hội hóa hoạt động vì thiếu nhi

Nhà thiếu nhi Bạc Liêu đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 10 cụm vui chơi và tận dụng các phòng học cũ để tuyển sinh các lớp dạy năng khiếu múa, hội họa, âm nhạc, võ thuật... Anh Phạm Thành Duy nói: “Ngoài những hoạt động chính như Liên hoan tổng phụ trách đội giỏi, Tiếng hát hoa phượng đỏ, trại hè thiếu nhi, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở GD & ĐT mở cửa 222 điểm trường để tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi”.

Tỉnh Đoàn Cà Mau vừa ký kết hợp tác với nhiều ngành tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em 2011”. Anh Nguyễn Văn Đen, GĐ Nhà thiếu nhi Cà Mau nói: “Cố gắng tập hợp, tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi tại Nhà thiếu nhi tỉnh và các huyện đã có nhà thiếu nhi. Năm nay, Nhà thiếu nhi Cà Mau cố gắng tìm kiếm kinh phí để dạy bơi lội miễn phí cho 200 thiếu nhi”.

Anh Ngô Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng cho biết: “Tỉnh Đoàn và nhiều ngành vừa thống nhất tổ chức sinh hoạt hè tại 10 xã điểm xây dựng nông thôn mới, với mức hỗ trợ kinh phí 12 triệu đồng/xã. Chúng tôi phối hợp với Sở VH-TT-DL để cán bộ đoàn cấp xã tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi tại Nhà văn hóa cấp xã trong khi chưa xây dựng các nhà văn hóa hoặc trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên”.

Theo GĐ Nhà thiếu nhi tỉnh Kiên Giang Trần Hớn Văn, hầu hết các hoạt động tại nhà thiếu nhi tỉnh đã được xã hội hóa. Nhà nước chỉ cho 27 biên chế nhưng hiện Nhà thiếu nhi có hơn 300 lao động phục vụ cho giảng dạy và đào tạo các lớp năng khiếu với số lượng thường xuyên khoảng 2.000 em. Kinh phí nhà nước chủ yếu để dành cho việc tổ chức, tập hợp thiếu nhi trong những hoạt động lớn khác. Tại các Nhà văn hóa thiếu nhi TX Hà Tiên, Giồng Riềng cũng đang thực hiện xã hội hóa các hoạt động dành cho thiếu nhi và bước đầu thu hút được khá đông các em.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG