Đà điểu
Tại tỉnh Vĩnh Long, có những chú đà điểu châu Phi (chân chỉ có 2 ngón) chịu khó cho khách cưỡi trên lưng chạy một vòng quanh sân. Người lớn nặng thì chú rảo cẳng vừa phải, trẻ con nhẹ thì chú chạy nhông nhông. Nếu chạy không tải (không chở người), chú có thể phóng với vận tốc tối đa 75km/h. Gọi là chú đà điểu vì đúng là đà điểu đực (có vạch đỏ ở mỏ và chân), cao khoảng 2m, nặng 120-140kg.
Không biết đà điểu ở đây ăn gì mà khỏe thế nhỉ? Bé Ọ thắc mắc thì được các chú nuôi đà điểu cho biết, chúng ăn cám trộn rau, trộn bèo. Bé Ọ lấy quả chuối ra đút, đà điểu vươn cổ, dùng mỏ quặp quả chuối rồi nuốt chửng. Ăn mà không nhai kỹ thì đau dạ dày đấy. Nhưng khác bé Ọ là đà điểu không có răng, nên đành nuốt chửng thôi.
Bé Ọ cưỡi đà điểu.
Bé Ọ cho đà điểu ăn chuối.
Hiện nay, đà điểu là loài chim lớn nhất trên Trái Đất, đẻ trứng lớn nhất trong các loài chim. Trứng dài khoảng 15cm, nặng 1,3-14kg. Tuy to xác, nhưng óc đà điểu rất nhỏ. Bé Ọ bảo mặt bạn đà điểu trông cứ ngơ ngác thế nào ấy.
Cá sấu
Rời sân đà điểu, bé Ọ sang chuồng cá sấu để câu. Mồi câu là phèo phổi gia súc buộc vào sợi cước. Dù ban ngày hay ban đêm, cá sấu căn miếng mồi lơ lửng phía trên mặt nước để đớp rất chuẩn.
Cá sấu có 80 cái răng và không giống bé Ọ chỉ thay răng một lần trong đời, cá sấu thay tới 50 lần trong đời (35-75 năm).
Cá sấu đẻ trứng nhé. Đúng hôm bé Ọ đến, cá sấu mới đẻ một lô trứng nhưng cá sấu con đang quá nhiều nên các cô chú chăm sóc không mang tất cả trứng đi ấp nở thành con mà luộc lên một quả cho bé Ọ ăn tẩm bổ.
Mà buồn cười lắm nhiệt độ ấp trứng sẽ quyết định trứng nở thành cá sấu đực hay cá sấu cái nhé. Từ 30 độ C trở xuống thì hầu hết nở ra con cái, 31 độ C thì nở ra cả đực cả cái, 32-33 độ C nở ra con đực, trên 33 độ C thì lại cả đực cả cái (đực nhiều hơn).
Các cụ có câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” để chỉ việc thương khóc giả tạo. Trên thực tế, khi ăn thịt con mồi, tuyến nước mắt của cá sấu bị kích thích nên nước mắt chảy ra. Cá sấu “khóc” như vậy là để thải bớt muối thừa trong cơ thể.
Hươu cao cổ
Rời Vĩnh Long tới Kiên Giang, bé Ọ đến thăm Safari Phú Quốc – nơi có hàng trăm loài vật, nhưng bé ấn tượng nhất với các bạn hươu cao cổ, hươu sao, tê giác và trăn bạch tạng.
Chú hướng dẫn bảo, người ta thường coi mắt bồ câu là mắt đẹp, mắt hươu cao cổ còn đẹp hơn. To, tròn, ướt rượt. Nhưng bé Ọ thích hươu cao cổ nhất là ở chiều cao. Cao tới 6m, cao nhất trong các loài trên cạn. Dù cổ dài ngoẵng như thế nhưng hươu cao cổ cũng chỉ có 7 đốt sống cổ thôi nhé.
Vì cao như vậy nên tim của hươu cao cổ rất to khỏe (dài khoảng 60cm, nặng hơn 11kg) để đẩy máu đi khắp cơ thể. Để hươu cao cổ không phải ngẩng lên cúi xuống mất nhiều công sức, các cô chú chăm sóc treo cành lá keo (món ăn yêu thích của hươu cao cổ) lên thật cao.
Hươu sao
Gọi là hươu sao vì trên bộ lông màu vàng đậm có những đốm trắng tròn nhưng như các ngôi sao. Nhưng bụng, đầu và chân hươu sao không có các ngôi sao như thế đâu nhé. Hươu sao rất thích nhai lá cây, lá cỏ; bé Ọ đút mãi và bạn hươu sao cứ ăn mãi.
Khi được một tuổi, hươu sao mọc sừng (nhung) lần đầu. Nhưng chỉ có hươu đực mọc sừng thôi nhé. Mà sừng này rất đặc biệt, rụng đi rồi mọc lại hằng năm. Người ta thường nuôi hươu để lấy nhung hươu dùng làm thuốc, thường là thuốc bổ. Nhưng có một loại sừng không có giá trị chữa bệnh mà người ta cứ săn lùng mãi thôi.
Tê giác
Bé Ọ thích tê giác vì trông chúng thật oai hùng như các vị tướng mặc áo giáp. Da tê giác dày tới 5cm, được tạo thành từ các lớp chất keo cứng có cấu trúc mắt lưới. Tê giác có 1 hoặc 2 sừng tùy loài. Chúng dùng sừng làm vũ khí tự vệ, dẫn dắt con non và gom phân vào một chỗ. Bé Ọ mắt tròn mắt dẹt khi được tận mắt chứng kiến “nhà vệ sinh” chi chít cục phân của đàn tê giác. Nhưng chính đặc điểm gom phân này mà tê giác dễ bị bọn săn trộm phát hiện trong tự nhiên.
Chú hướng dẫn bảo bé Ọ, thấy đống phân to tướng là bọn săn trộm biết là sắp gặp tê giác. Họ bắn chết tê giác, cưa sừng đem bán với giá đắt ngang vàng. Nhiều người vẫn tin rằng, mài sừng tê giác ra để uống có thể chữa bệnh nan y. Nhưng sự thật đâu phải thế. Sừng tê giác làm từ chất keratin giống móng tay, tóc người thôi.
Vì thế, không mua bán, sử dụng sừng tê giác các bạn nhé! Con tê giác cuối cùng trong tự nhiên ở Việt Nam đã bị những kẻ săn trộm bắn chết năm 2011.