Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 455/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước; nâng cao hoạt động huy động vốn cho ngân sách nhà nước; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”. Để hoàn thành mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số.
Những năm qua, mặc dù đã có những thành tích đáng kể trong việc chuyển đổi số nhưng KBNN vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiều công việc liên quan. Trong cả giai đoạn 2021 - 2030, KBNN sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai kiến trúc công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử; trong đó, Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số đóng vai trò là hệ thống lõi, có sự kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các hệ thống khác có liên quan; Số hóa các nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước và cung cấp dữ liệu mở về tài chính - ngân sách nhà nước thông qua việc nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc và các hệ thống liên quan thành Hệ thống thông tin Ngân sách và Kế toán nhà nước số dựa trên công nghệ hiện đại, cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, KBNN cũng cần triển khai ứng dụng hiệu quả các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động (Mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)... trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của Kho bạc Nhà nước…
Để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, KBNN xác định việc đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong hệ thống có ý nghĩa rất quan trọng. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một giải pháp then chốt, hữu hiệu giúp KBNN luôn chủ động, kịp thời cải cách, đổi mới sáng tạo, để từ đó hoàn thiện các chức năng, từng bước khẳng định được vai trò của mình trong lĩnh vực quản lý tài chính công.
Trên thực tế, công tác KH&CN từ lâu đã được KBNN rất quan tâm, coi trọng. Ngay khi hệ thống KBNN Việt Nam được tái thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/4/1990, chỉ sau 05 tháng, Hội đồng Khoa học KBNN đã được thành lập (Quyết định số 24 KB/QĐ/TCCB ngày 01/9/1990). Lãnh đạo KBNN đã ban hành một số quy định, quy chế rất cụ thể như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng KH&CN KBNN; Quy chế tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong hệ thống KBNN; Thành lập ra Hội đồng KH&CN KBNN và Tiểu ban thuộc Hội đồng theo nhiệm kỳ.
Các thành viên của Hội đồng, các tiểu ban chuyên môn đã phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tham mưu, đề xuất về định hướng nghiên cứu KH&CN; tham gia thẩm định, đánh giá các nhiệm vụ KH&CN; trực tiếp điều hành hoặc tham gia các Hội đồng nghiệm thu…
Tính từ năm 2015 đến nay, đã có gần 200 đề tài KH&CN được các đơn vị KBNN từ trung ương tới địa phương triển khai nghiên cứu, được thẩm định và nghiệm thu thành công. Nhiều sản sản phẩm nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn cho hiệu quả tốt. Những nội dung nghiên cứu KH&CN bao gồm các lĩnh vực: Quản lý ngân quỹ quốc gia; Kế toán - Kiểm toán; Hiện đại hoá Kho bạc; Nội vụ.
Các nhóm lĩnh vực nêu trên bao quát tất cả các hoạt động nghiệp vụ của KBNN nói riêng và một số lĩnh vực quan trọng khác về kinh tế - tài chính - ngân hàng - ngân sách. Thông qua hoạt động KH&CN, những nghiên cứu về cơ sở lý luận, những đánh giá về thực trạng để chỉ ra hạn chế và nguyên nhân, là cơ sở để đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống KBNN.
Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, hoạt động KH&CN với phương châm luôn chủ động đổi mới sáng tạo đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành xuất sắc Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 138/2007/QĐ-TTG ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Để phát huy các kết quả đạt được, trong thời gian tới đây, trên cơ sở Chương trình hành động của Bộ Tài chính về việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 được Bộ phê duyệt, KBNN tiếp tục đẩy mạnh tăng cường đổi mới, sáng tạo, tăng cường triển khai nghiên cứu KH&CN toàn diện các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ; Tiếp tục kiện toàn và phát huy hiệu quả hơn nữa mô hình của Hội đồng KH&CN; các Tiểu ban thuộc Hội đồng; Tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN, các đơn vị NCKH trong và ngoài ngành Tài chính, các trường Đại học khối kinh tế trong việc nghiên cứu KH&CN, xây dựng và cải tiến cơ chế chính sách để ứng dụng trong các lĩnh vực nghiệp vụ của hệ thống, qua đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị... góp phần thực hiện đảm bảo có chất lượng, đúng tiến độ mà mục tiêu của Chiến lược đặt ra là hoàn thành Kho bạc số vào năm 2030.