Hướng đến hội nghị đối ngoại toàn quốc 2021

Đẩy mạnh khai thác những thị trường hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
Xe chở hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đã cơ bản hết ùn ứ. Ảnh: TTXVN
Xe chở hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn đã cơ bản hết ùn ứ. Ảnh: TTXVN
TP - Với Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, quan trọng; Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn nhất; Anh, Úc… có nhiều tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư…

Thị trường Trung Quốc: Điểm yếu của doanh nghiệp Việt

Trung Quốc có ưu thế về vị trí địa lý với Việt Nam, có thị trường nội địa rộng lớn cùng sức mạnh kinh tế lớn, vì thế ở đó có rất nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.Tuy nhiên, để biến những cơ hội đó thành những hiệu quả đầu tư cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm tìm cách khắc phục một số điểm yếu còn tồn tại.Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết như vậy tại buổi toạ đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp với chủ đề “Triển khai ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm - Giải pháp và hành động”. Toạ đàm diễn ra sáng 10/12, là hoạt động đầu tiên thuộc chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31.

Về những điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam ở Trung Quốc, ông Mai cho rằng, phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp. Bên cạnh đó, dù Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng sau 30 năm, sản phẩm của nước ta xuất khẩu sang thị trường này vẫn chưa có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp sở tại.Hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực này.

Cơ hội lớn ở Mỹ: Kinh tế số và kinh tế xanh

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt 90 tỷ USD và cuối năm sẽ cán mốc 100 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất siêu và con số xuất siêu ngày càng tăng.Do đó, xuất khẩu sang Mỹ là một cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường Mỹ cũng rất mở cửa.

Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết, các hàng rào kỹ thuật tại thị trường Mỹ cũng được dựng lên càng lúc càng nhiều. Vì vậy, trong cơ hội luôn tồn tại những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý. Các mặt hàng tăng nhanh vào thị trường Mỹ dễ rơi vào “tầm ngắm”. Ông nhấn mạnh, thị trường Mỹ rất tiềm năng và có nhu cầu thu hút đầu tư. Các sự kiện thu hút đầu tư được thúc đẩy thường xuyên, hiện nay có 200 dự án đầu tư của Việt Nam vào Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp mạnh như VinFast, An Phát…

Thời gian tới, theo ông Ngọc, hai lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thể chú trọng hợp tác với Mỹ là kinh tế số và kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rất chú trọng hai lĩnh vực này.

Anh: Xu hướng xanh

Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đang đẩy mạnh hợp tác ngoài EU để bù đắp phần nào thiếu hụt. London đang thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác.Với Việt Nam, cơ sở hợp tác vẫn trên cơ sở FTA với EU (EVFTA). Năm nay, Anh hướng tới tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPP), hướng sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Long cho biết, Anh xác định sau đại dịch COVID-19 sẽ là cơ hội để tập trung tăng cường hợp tác. Các lĩnh vực mà Anh chú trọng gồm: cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh bền vững, kinh tế số và khoa học kỹ thuật. Theo ông, những dự án hợp tác liên quan kinh tế xanh sẽ được đẩy lên rất nhanh. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh và tập trung nắm bắt xu hướng này thì sẽ có được cơ hội hợp tác rất lớn với phía bạn.London cũng đẩy rất mạnh kinh tế số.

Ông Long cho biết, Anh đang xây dựng một loạt công cụ hiện thực hóa các mục tiêu phát triển. Cơ quan đầu tư quốc tế Anh được tăng cường để hỗ trợ huy động vốn đầu tư; Cơ quan hỗ trợ xuất khẩu được nâng tầm để thúc đẩy xuất khẩu…

Úc: Nông nghiệp, giáo dục

Đại sứ Việt Nam tại Úc Nguyễn Tất Thành cho biết, xu hướng lớn tại Úc hiện nay là chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa”, đặc biệt là trong hai năm trở lại đây. Úc đang chủ động tìm kiếm thị trường mới, mời gọi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới thông qua nhiều chính sách hấp dẫn.Úc đang hướng tới đa dạng hóa thị trường, thông qua nhiều chính sách vĩ mô và tham gia vào các FTA lớn, sáng kiến về chuỗi cung ứng khu vực, xây dựng một khuôn khổ kinh tế mới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Thành cho rằng, để tranh thủ những cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng quan hệ, kết nối với các cơ quan, đối tác quan trọng như Hiệp hội Kinh doanh Việt Nam - Úc, Hiệp hội Doanh nghiệp Úc - Việt Nam, chính quyền địa phương… Ông cũng kiến nghị thành lập nhóm tư vấn kinh tế doanh nghiệp có sự góp mặt của các bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan đại diện. Ông cho rằng, cần thúc đẩy các chiến lược tăng cường kinh tế Việt - Úc toàn diện, trên các lĩnh vực kinh tế, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục…Hiện có 4 hãng hàng không Việt Nam mong muốn mở đường bay trực tiếp tới Úc, gồm Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Vietjet và Bamboo Airways.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã lần đầu tiên thông qua chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.Tọa đàm gồm một phiên thảo luận toàn thể và năm phiên kết nối theo các khu vực châu Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương và Trung Đông-châu Phi.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.