Đẩy mạnh giải ngân ODA, phòng chống tham nhũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Ảnh Phong Cầm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Ảnh Phong Cầm
TP - Ngày 6-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, phòng chống tham nhũng…

> 340 tỷ đồng hỗ trợ 11 tỉnh thành khắc phục lũ lụt
> Thêm ít nhất 10 triệu m2 nhà ở xã hội trong 4 năm tới
> WB sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Ảnh Phong Cầm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Ảnh Phong Cầm.
 

Phát biểu tại Hội nghị, Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2011 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, năm tới, Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, để các hoạt động kinh tế công khai, minh bạch hơn, đồng thời đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.

“Việt Nam đánh giá cao và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, chính phủ sẽ thúc đẩy việc giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ KH-ĐT, 11 tháng đầu năm nay, giải ngân ODA đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Bộ này dự báo, mức giải ngân cả năm 2011 có thể đạt khoảng 3,65 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2010.

Minh bạch quy trình cấp vốn

Tại Hội nghị có chủ đề Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và giảm nghèo, các đại biểu cho rằng việc tái cơ cấu kinh tế là cần thiết, nhưng Chính phủ Việt Nam cần bắt mạch được những yếu kém của nền kinh tế.

Kết thúc Hội nghị, các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ vốn ODA gần 7,39 tỷ USD cho Việt Nam cho năm tài khóa 2012. Trong đó, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất với 148,5 tỷ yen (khoảng 1,9 tỷ USD), vượt mức 1,64 tỷ USD của năm 2010.

 

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nói, Việt Nam cần rút ra bài học khủng hoảng của thế giới xảy ra do mất cân bằng vĩ mô, mất ổn định và suy thoái nghiêm trọng. Theo bà, kinh tế Việt Nam đang có một số điểm yếu và dễ bị tổn thương. Đó là tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài lớn, GDP phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư, lạm phát cao gần 20%; doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính ẩn chứa nhiều nguy cơ…

Đại diện WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần giảm bớt việc phân bổ dàn trải vốn từ ngân sách. Phải minh bạch trong quy trình cấp vốn từ Ngân sách. “Việc tái cấu trúc ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng là hết sức quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, để thành công, Việt Nam cần tiếp tục giảm can thiệp hành chính và minh bạch hóa nền kinh tế”, bà nói.

Theo đại diện Liên minh châu Âu, ba điểm quan trọng đối với tương lai của Việt Nam là phát triển kinh tế xanh, xóa khoảng cách giàu nghèo và phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, phòng chống tham nhũng là vấn đề có tác động rất lớn đến nền kinh tế vì theo vị này, đang có lỗ hổng rất lớn về chính sách và việc thực thi chính sách trên thực tế.

Dự báo, cả năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng khoảng 18% so với tháng 12-2010. Theo đà này, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở khoảng 9%.

Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và hiệu quả công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG