Đầu tư xây dựng kho chứa khí hóa lỏng: Nhu cầu cấp thiết

Đầu tư xây dựng kho chứa khí hóa lỏng: Nhu cầu cấp thiết
TP - Trong những ngày qua, giá gas trên thị trường trong nước tăng đến mức kỷ lục và theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng giá gas sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đầu tư xây dựng kho chứa khí hóa lỏng: Nhu cầu cấp thiết ảnh 1
Tàu đang bơm gas tại kho LPG Thị Vải của Cty PVGas - Ảnh:  Minh Quân

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tăng giá gas là do kho chứa gas đang… thiếu.

“Hiện nay tại Việt Nam không có kho để dự trữ khí hóa lỏng (LPG)”- một Phó Tổng Giám đốc Cty Chế biến và kinh doanh khí hóa lỏng (PVGas) khẳng định như vậy.

Ông này cho biết, mặc dù là đơn vị sản xuất LPG duy nhất trong nước và cung ứng 40% sản lượng LPG cho thị trường nhưng PV Gas cũng chưa có kho dự trữ.

Kho LPG của PVGas hiện có sức chứa lớn nhất nước nhưng cũng chứa được tối đa 7.000 tấn. Với số lượng này, chỉ hai tàu bơm trong vài ngày là hết.

Hơn nữa, đây cũng chỉ là kho phục vụ sản xuất (chỉ chứa trong một chu kỳ sản xuất) chứ không phải kho thương mại và càng không phải là kho dự trữ.

Theo ước tính của Phó Tổng Giám đốc PVGas nói trên, tổng sức chứa các kho của doanh nghiệp kinh doanh gas trong cả nước hiện nay tối đa là 35.000 tấn, trong đó khoảng 2/3 sức chứa tập trung tại khu vực phía Nam.

Theo ông Hoàng Anh - Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần Gas Petrolimex, vì không có kho dự trữ nên các doanh nghiệp thường phải quay vòng nhanh lượng hàng nhập vào và bán ra từ hai, ba lần trong tháng.

Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp đều không có khả năng dự phòng nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào những biến động của thị trường. Được biết, để có được một kho chứa 1.000 tấn theo đúng tiêu chuẩn, phải cần đến ít nhất 60 tỷ đồng.

Việc thiếu kho dự trữ LPG gây ra nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp và cả với người tiêu dùng.

Chẳng hạn, hàng năm nhà máy chế biến khí hóa lỏng Dinh Cố (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều có kế hoạch tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ trong thời gian khoảng 20 ngày.

"Gas cũng là mặt hàng thiết yếu giống như xăng dầu nên kinh doanh gas cũng phải có điều kiện như kinh doanh xăng dầu.

Để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn của thị trường gas như hiện nay, một số doanh nghiệp kinh doanh gas có uy tín đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp đặt các điều kiện trong kinh doanh gas.

Theo đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh gas phải có cơ sở vật chất cần thiết như sức chứa của kho tối thiểu phải 1.000 tấn, phải có thương hiệu, hệ thống phân phối và số lượng vỏ bình tương ứng với lượng gas bán ra…"

Ông Hoàng Anh - Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần Gas Petrolimex

Được biết, nếu có kho dự trữ thì sẽ tránh hoặc ít nhất hạn chế được lượng LPG thiếu hụt trong những ngày nhà máy tạm ngưng hoạt động và cũng sẽ tránh được hiệu ứng dây chuyền từ việc thiếu hụt LPG, đó là tăng giá bán. 

Theo dự báo, đầu tháng 10 nhà máy Dinh Cố tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng.

Để bù lại thiếu hụt, các doanh nghiệp phải tăng lượng nhập khẩu song vì không có kho  dự trữ nên buộc phải mua theo từng chuyến với giá cao và không ổn định.

Vì vậy, “lẽ ra có thể tránh được những đợt tăng giá của thị trường thế giới thì chúng ta vẫn phải hứng chịu” -Ông Hoàng Anh nói.

Cũng theo ông Hoàng Anh, tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tiêu dùng LPG từ 8-10%/năm.

Do vậy, nếu không mở rộng sản xuất thì tỷ lệ LPG cung cấp trong nước ngày càng giảm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngày càng phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường, giá cả thế giới.

Ông Hoàng Anh cho rằng, nếu không muốn bị phụ thuộc và muốn bảo toàn an ninh năng lượng cho quốc gia, không có cách nào khác là phải đầu tư dây dựng kho dự trữ cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất PLG trong nước.

Tuy nhiên, “hiện vẫn chưa thấy có dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ LPG quy mô lớn nào được triển khai” - Ông Hoàng Anh cho biết.

MỚI - NÓNG