Đầu tư trọng điểm thúc đẩy bán tín chỉ carbon

TP - Theo các chuyên gia, để giảm phát thải nhà kính, bán được tín chỉ carbon, Tây Nguyên cần phải có giải pháp đồng bộ, có tính liên ngành, liên lĩnh vực.

Phát thải rất cao

Ngày 4/10, tại Đắk Lắk diễn ra Hội thảo “Thực trạng sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thị trường carbon tại Đắk Lắk”.

Đắk Lắk có khoảng 679.000ha đất nông nghiệp, hơn 700.000ha đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt 38,04%. Phần lớn diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp chưa được quản lý theo các tiêu chuẩn quản lý bền vững; diện tích được tính tín chỉ carbon mới triển khai ở giai đoạn đầu nên còn nhiều hạn chế. Mặt khác, sản xuất nông lâm nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng; đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái diễn ra trên diện rộng...

Đầu tư trọng điểm thúc đẩy bán tín chỉ carbon ảnh 1

Trồng lúa ở Tây Nguyên vẫn còn cao.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Cty CP Net Zero Carbon cho hay, con người góp phần làm cho trái đất nóng lên tới mức báo động. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm khối lượng phát thải khí nhà kính (CO2) xuống 350 triệu tấn. Để làm việc này, Việt Nam cần 368 tỷ đô la. Mục tiêu này có thể hiện thực được nếu chúng ta quyết liệt giảm phát thải.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển tín chỉ carbon, tập trung chủ yếu từ rừng và nông nghiệp.

Đắk Lắk có khoảng 679.000ha đất nông nghiệp, hơn 700.000ha đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt 38,04%.

Ông Tiến thông tin thêm, phát thải trong nông nghiệp khá lớn, riêng lúa nước, cả nước có 7,7 triệu ha, mỗi năm phát thải 97 triệu tấn CO2 (chiếm trên 10% tổng phát thải của Việt Nam). Công ty ông Tiến đã tìm ra giải pháp giảm thải cho cây lúa thông qua áp dụng giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ, kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải.

Theo kết quả triển khai thực tế, giải pháp trên đã giảm được tổng đầu tư từ 10-20%, năng suất tăng từ 10-51%. Tổng 1 ha lúa, sau 1 vụ thu lợi nhuận 94 triệu đồng. Ngoài ra công ty ông còn mua lại tín chỉ carbon cho mô hình này. Đây là minh chứng cho việc sản xuất nông nghiệp giảm phát thải và bán được tín chỉ carbon. Song vấn đề đặt ra, tín chỉ carbon do tổ chức nào chứng nhận thì được thị trường chấp nhận mua. Bởi theo ông Tiến, trong ngành năng lượng tái tạo, đã có 492 dự án đăng ký giảm phát thải. Tuy nhiên số lượng dự án bán được tín chỉ carbon chỉ vài chục…

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững cho biết, carbon là một loại khí nhà kính, thể hiện ở dạng CO2, có gây hiệu ứng nhà kính nóng lên toàn cầu. Ngoài carbon, khí nhà kính còn có Methane (CH4) và Nitrous oxide (N2O). Khí Methane thường phát thải trong quá trình sử dụng phân bón, hoặc đốt rừng, đốt rẫy.

Theo quy định quốc tế, tất cả các khí nhà kính đều phải quy đổi về khí CO2 hoặc CO2 tương đương (CO2tđ), là khối lượng của các khí nhà kính như CH4 và N2O. Việc quy đổi này phải dựa trên hệ số ấm lên toàn cầu, quy về cùng 1 đơn vị tính toán trong quá trình phát thải khí nhà kính. Còn tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc 1 tấn khí CO2tđ.

Để giảm phát thải nhà kính, bán được tín chỉ carbon, Tây Nguyên cần phải có giải pháp đồng bộ, có tính liên ngành, liên lĩnh vực. Ví dụ như kiểm soát mất rừng phải bắt đầu từ công tác quy hoạch, các vấn đề thực thi pháp luật và cần có giải pháp nâng cao năng suất chất lượng rừng.

“Địa phương cần xác định khu vực nào tiềm năng để đầu tư trọng tâm trọng điểm; khách hàng, nhà đầu tư là ai để kêu gọi đầu tư. Còn giải pháp cụ thể thì cần xây dựng chương trình dự án riêng cho từng khu vực, vùng, không làm đơn lẻ từng hộ. Ngoài ra, địa phương cần xác định bán tín chỉ carbon là nguồn tài chính bổ sung, không thể hoạch toán cụ thể bởi rừng mang lại nhiều giá trị”, ông Phương nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển tín chỉ carbon, tập trung chủ yếu từ rừng và nông nghiệp. Việt Nam đang trong quá trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn trao đổi tín chỉ carbon từ năm 2025. Nếu thực hiện được thị trường tín chỉ carbon thì đây sẽ là nguồn lợi đáng kể từ nông, lâm nghiệp và đóng góp cho việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

MỚI - NÓNG
Gần 6.000 người và máy móc, 50 mũi thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Gần 6.000 người và máy móc, 50 mũi thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
TPO - Sau gần 2 năm triển khai thi công, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hiện nhà thầu đã huy động hơn 4.000 nhân sự và 1.750 máy móc thiết bị, triển khai 50 mũi thi công trên toàn tuyến. Sản lượng đạt gần 6.400 tỷ đồng tương ứng 47% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, mặt bằng trên tuyến vẫn chưa sạch, một số vị trí vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật.