Dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ

Chi phí nhiên liệu cao, tàu cá Đà Nẵng nằm bờ Ảnh: Nam Cường
Chi phí nhiên liệu cao, tàu cá Đà Nẵng nằm bờ Ảnh: Nam Cường
TP - Dù là thời điểm chính của mùa đánh bắt cá trong năm, nhưng hàng loạt tàu thuyền ở miền Trung vẫn nằm bờ bởi giá xăng, dầu tăng. Nhiều ngư dân lo ngại phải bán tàu, bỏ nghề.

> Cước vận tải rục rịch tăng theo xăng dầu

Cạn vốn ra khơi

Hai bến cá lớn nhất tỉnh Phú Yên là Đông Tác và Phường 6 có gần 300/700 tàu phải nằm bờ dù đang mùa câu cá ngừ đại dương. Tại Bình Định, bến cá Tam Quan (Hoài Nhơn), Đề Gi (Phù Cát) và Hàm Tử (TP Quy Nhơn), hàng trăm tàu đậu kín cửa sông.

Theo phản ánh của ngư dân, mỗi chuyến ra khơi (khoảng 20 ngày) tốn 2.200 - 5.000 lít dầu, cộng các chi phí khác, hết khoảng 60- 300 triệu đồng. Sau đợt tăng giá xăng dầu đầu tháng 3, chi phí mỗi chuyến đội lên hàng trăm triệu đồng.

Ông Lê Đình Hiếu, ngư dân xã Cát Khánh (Phù Cát), nói: “Chuyến biển vừa rồi, tàu tôi mới đi 7 ngày đã lỗ 10 triệu đồng nên phải nằm bờ. Giờ dầu tăng giá, vốn cạn, chưa biết tính sao”.

Ông Lương Văn Minh, ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn - Bình Định) chủ tàu câu mực BĐ 95747 TS công suất 300 CV, cho biết: “Mỗi chuyến ra khơi 20 ngày, tốn 2.200-3.000 lít dầu, rồi chi phí khác cho chuyến đi tất tật từ 60-70 triệu đồng, nhưng nay giá dầu tăng chi phí phải lên 80 triệu”.

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), anh Từ Văn Ry chủ tàu ĐNa 90289 TS, chia sẻ: Mỗi chuyến đi biển chi phí hết hơn 100 triệu đồng, trong đó gần 60% tiền dầu. Giờ giá dầu tăng thêm 1.000đồng/lít, như vậy mỗi chuyến phải bỏ thêm gần 20 triệu tiền nhiên liệu, không chắc ra khơi có kiếm thêm được chừng đó tiền.

Anh Ngô Văn Hiên (phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê), chủ tàu ĐNa 90234 nói: Không chỉ giá dầu tăng cao mà các mặt hàng khác đều tăng theo dầu. Đá trước kia 11.000đồng/cây giờ lên 15.000 đồng/cây.

Ông Lê Huỳnh (ngụ tại phường 5, TP Vũng Tàu) cho biết ông cùng 12 thuyền viên vừa đi biển từ hơn tháng nay, cập bờ bán cá chưa thu đủ tiền vốn. Nay giá cả tăng cao nên ông đành nằm bờ.

Khó lại càng thêm khó khi các cửa hàng xăng dầu trong khu vực không cho các tàu thuyền vay một chuyến nhiên liệu như những năm trước.

Chủ đại lý xăng dầu không dám cho ngư dân nợ gối đầu một chuyến đi về rồi trả như mọi năm. Họ sợ ngư dân bị lỗ không có tiền trả.

Tính chuyện bán tàu, bỏ nghề

Ông Văn Công Việt (phường Hải Cảng, Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91189 TS, chia sẻ: Ác cái là giá xăng dầu lại lên vào giữa mùa đánh bắt cá ngừ đại dương, mùa làm ăn chính của bà con.

Nếu giá dầu cứ tăng liên tục, nhà nước không có chính sách hỗ trợ thì ngư dân sẽ đồng loạt bán tàu bỏ nghề, tính kế khác kiếm cơm. Theo ông Việt, đã có nhiều người bán tàu, nhiều kình ngư trở thành phụ hồ.

Ông Huỳnh Văn Hoàng (xã Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ 96289TS. Từ cuối năm 2011, tàu của ông hành nghề câu mực liên tục thua lỗ, nợ xăng dầu, nợ đầu nậu chất chồng.

Đầu năm 2012 đến nay, 3 chuyến đánh bắt đầu vụ ông Hoàng kiếm được kha khá nhưng chưa đủ trả nợ thì xăng dầu lại tăng giá. “Đến nước này có khi phải bán tàu trả nợ”, ông Hoàng nói.

“Mấy đứa con tui thì đi làm công nhân hết rồi, không ai theo nghề tui cả vì quá bấp bênh. Đợt ni tui bán tàu rồi xin làm công nhân” - anh Mai Quang Hùng, chủ tàu ĐNa 36038 cho biết.

Ngoài việc bán tàu giải nghệ, để bám biển, ngư dân miền Trung cũng đang tính cách thắt lưng buộc bụng như giảm chi phí lương thực, thực phẩm, nhân công, đánh bắt ngắn ngày hoặc kiêm nghề khai thác.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định thừa nhận, một số người đã bán tàu. Một số khác tính đến việc kiêm nghề khai thác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG