Dâu tằm trị ho, cao huyết áp, đau khớp

Dâu tằm trị ho, cao huyết áp, đau khớp
Dược liệu dâu tằm bao gồm nhiều bộ phận của cây dâu: lá (tang diệp), cành (tang chi), quả (tang thầm), vỏ rễ (tang bạch bì) và tầm gửi cây dâu (tang ký sinh).

Tác dụng

Cao nước lá và thân cây dâu ức chế một số vi khuẩn gram dương và men. Vỏ rễ và lá dâu có tác dụng gây hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên và an thần. Các hoạt chất moracemin A, B và D từ vỏ rễ dâu có tác dụng chống tăng huyết áp trên thực nghiệm. Cao chiết và hoạt chất moran A từ vỏ rễ dâu có tác dụng hạ đường huyết ở động vật được gây đái tháo đường bằng alloxan.

Công dụng

Vỏ rễ dâu điều trị ho có đờm, hen, ho ra máu, sốt, tăng huyết áp, trẻ em ho gà, phù thũng, bụng trướng to, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 4 – 12g, có khi đến 20 – 40g, dạng thuốc sắc hay uống bột.

Dâu tằm trị ho, cao huyết áp, đau khớp ảnh 1

Lá dâu chữa cảm mạo, sốt nóng, ho, viêm họng, đau răng, nhức đầu, mắt đỏ, phát ban, tăng huyết áp, mất ngủ. Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc.

Cành dâu chữa phong thấp, đau nhức các khớp xương, cước khí, sưng lở, chân tay co quắp. Ngày dùng 6 – 12g, có khi đến 40 – 60g, dưới dạng thuốc sắc.

Quả dâu chữa đái tháo đường, lao hạch, mắt mờ, ù tai, thiếu máu, đau khớp xương, kém ngủ, râu tóc bạc sớm, táo bón. Uống lâu khỏe người, ngủ ngon giấc, thính tai sáng mắt, trẻ lâu. Quả dâu vắt lấy nước cô thành cao mềm, ngày uống 12 – 20g. Sirô quả chín bôi chữa đau họng, loét mồm, lở lưỡi.

Tang ký sinh chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại, động thai, sau khi đẻ ít sữa. Ngày dùng 12 – 20g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc có dâu tằm

1. Chữa viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn tính:

a. Tang diệp 16g; tang bạch bì, rau má, mỗi vị 12g; rễ cây chanh, bạc hà, cúc hoa, lá hẹ, rễ chỉ thiên, mỗi vị 8g, bán hạ chế 6g, xạ can 4g. Sắc uống ngày một thang.

b. Tang diệp 12g; tang bạch bì, hạnh nhân, tiền hồ, chi tử, sa sâm, mỗi vị 8g, cam thảo 6g, bối mẫu 4g. Sắc uống ngày một thang.

c. Tang diệp, cúc hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, hạnh nhân, tiền hồ, mỗi vị 12g, cát cánh 8g, bạc hà 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

2. Chữa viêm phế quản cấp tính: Tang bạch bì 12g, thạch cao 16g; mạch môn, lá tre, sa sâm, thiên môn, hoài sơn, mỗi vị 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống ngày một thang.

3. Chữa hen nhiệt:

a. Tang bạch bì, thiên môn, mạch môn, ô mai, bách bộ, tiền hồ, thạch cao, mỗi vị 12g; bán hạ chế 8g, trần bì 6g. Sắc uống ngày một thang.

b. Tang bạch bì 20g; hạnh nhân, hoàng cầm, mỗi vị 12g, bán hạ chế 8g, ma hoàng 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

4. Chữa khản tiếng, nói không ra tiếng:

a. Tang diệp, tang bạch bì, kinh giới, địa cốt bì, mỗi vị 12g; hạt tía tô, bán hạ chế, mỗi vị 8g, trần bì 6g. Sắc uống ngày một thang.

b. Tang bạch bì, lá tre, trúc nhự, mỗi vị 12g, thổ bối mẫu 10g; thanh bì, cát cánh, mỗi vị 8g, nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày một thang.

5. Chữa ho khan nhiều, khản tiếng: Tang bạch bì 8g, sa sâm, thiên môn, mạch môn, bố chính sâm, mỗi vị 12g; ngưu bàng tử, sinh địa, địa cốt bì, mỗi vị 8g, mẫu đơn bì 6g. Sắc uống ngày một thang.

6. Chữa ho ra máu: Vỏ rễ dâu, thiên môn, cúc hoa, cỏ nhọ nồi, mạch môn, quả dành dành, sinh địa, trắc bách diệp, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

7. Chữa ho gà: Vỏ rễ dâu, mạch môn, mỗi vị 12g; bách bộ, rau sam, húng chanh, mỗi vị 10g. Sắc uống hoặc chế thành sirô uống ngày một thang.

8. Chữa tăng huyết áp:

a. Tang ký sinh 16g; chi tử, câu đằng, ngưu tất, ý dĩ, mã đề, mỗi vị 12g; xuyên khung, trạch tả, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

b. Tang ký sinh 20g, rau má 30g; hoa hòe, lá tre, cỏ tranh, mỗi vị 20g; cỏ nhọ nồi, hạt muồng, mỗi vị 16g, ngưu tất 12g, hạ khô thảo 10g, tâm sen 8g. Sắc uống ngày một thang.

9. Chữa tăng huyết ở người cao tuổi: Tang ký sinh 12g, mẫu lệ 20g, hà thủ ô 16g; quả dâu chín, kỷ tử, sinh địa, ngưu tất, mỗi vị 12g, trạch tả 8g. Sắc uống ngày một thang.

10. Chữa tăng huyết áp và tăng cholesterol máu: Tang ký sinh, câu đằng, hòe hoa, thiên ma, ngưu tất, ý dĩ, mỗi vị 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g; bán hạ chế, cam thảo, trần bì, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

11. Chữa xơ cứng động mạch vành: Tang ký sinh 16g, hà thủ ô 20g; kỷ tử, hoàng tinh, mỗi vị 16g; thục địa, thạch hộc, quy bản, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

12. Chữa viêm khớp dạng thấp: Tang chi 20g, thạch cao 40g, kim ngân 20g; tri mẫu, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g, thương truật 8g, quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.

13. Chữa đau lưng cấp do co cứng các cơ: Tang ký sinh, khương hoạt, ngưu tất, mỗi vị 12g, phục linh 10g; quế chi, thương truật, mỗi vị 8g, can khương 6g. Sắc uống ngày một thang.

14. Chữa đau dây thần kinh hông: Cành dâu, thổ phục linh, thiên niên kiện, ngưu tất, sinh địa, mỗi vị 12g; cà gai leo, đỗ đen sao, lá lốt, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

15. Chữa cảm sốt: Lá dâu 10g; hạnh nhân, cát cánh, mỗi vị 8g; liên kiều, rễ sậy, mỗi vị 6g; cúc hoa, bạc hà, cam thảo, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một hoặc hai thang.

16. Chữa rụng tóc: Vỏ rễ dâu giã giập, ngâm nước rồi đun sôi nửa giờ, chắt lấy nước, để nguội gội đầu.

GS. Đoàn Thị Nhu
Dược & Mỹ phẩm

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.