Đâu rồi 18 Thôn Vườn Trầu

Đâu rồi 18 Thôn Vườn Trầu
TP - Nhắc tới Nam Bộ người ta không thể không nói tới địa danh 18 Thôn Vườn Trầu, nơi trồng nhiều trầu cau nhất và cũng là xứ in đậm văn hóa của người Việt. Nhưng theo thời gian và sự đổi thay về văn hóa, phong tục, đến nay, những người giàu hoài niệm thảng thốt câu: Đâu rồi 18 Thôn Vườn Trầu một thuở.

Di cư của trầu cau

“Đất vườn trầu nhà nọ thông nhà kia, không rào dậu, đồng bào tốt vô chừng” - Ông Hoàng Quốc Việt - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng CSVN thời kỳ 1936 - 1939

Chúng tôi vào xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TPHCM), tìm hiểu về ngôi đình cổ ở đây. Được biết, theo đình phả của đình Tân Thới Nhứt, các ngôi làng thuần Việt ở Nam Bộ mà người ta gọi là 18 Thôn Vườn Trầu (theo phong tục dùng trầu cau của người Việt), ra đời vào khoảng thế kỷ 17.

Tài liệu của người Pháp cũng ghi nhận: “Người Việt vào khai phá vùng Gia Định từ đầu thế kỷ 17, thoạt đầu từ những vùng đất cao ráo từ Chợ Quán đến Gò Cây Mai, từ Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp lên Hóc Môn, Củ Chi, Trảng Bàng, cho đến thế kỷ 18 khi đã đông người thì tiếp tục ở những vùng đất thấp còn lại”.

Trong văn hóa người Việt, phong tục dùng trầu cau rất thiêng liêng. Trầu cau dùng để cúng tế, lễ cưới hỏi, tiếp khách. Trầu cau cũng dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Có người Việt ắt có trầu cau.

Vùng đất Nam Bộ nhiều sình lầy, đất nhiễm mặn, trồng trầu cau rất khó. Xứ Hóc Môn, vùng ngoại thành của Sài Gòn, mực nước ngọt ngầm chỉ cách mặt đất chừng 2 mét, thổ nhưỡng phù hợp nên đã hình thành 18 thôn chuyên trồng trầu cau, cung cấp cho cả vùng Nam Bộ thông qua các chợ ở Bến Nghé, Sài Gòn.

Sách Gia Định thành thông chí của ông Trịnh Hoài Đức ghi: “Vườn trầu ở cách trấn lị về phía tây 52 dặm rưỡi, đất ở nơi xung yếu trên cửa đường bộ vào nước Cao Miên… có 18 thôn ở trù mật thành một chợ lớn ở khu rừng. Dân đều có của, nhiều vườn trầu, thường gánh lá trầu từng đoàn ba bốn chục gánh đem xuống hai chợ Sài Gòn, Bến Nghé để bán. Xứ ấy còn nhiều rừng rậm, hổ dữ thường bắt người ăn thịt nên có câu ngạn ngữ: Dữ như cọp vườn trầu”.

Đình phả của đình Tân Thới Nhứt nói dân cư vùng này chủ yếu người Việt ở miền Trung được triều đình đưa vào khai khẩn đất mới. Quanh đình dân cư quần tụ với 17 dòng họ. Đình Tân Thới Nhứt thờ các vị thần người Việt là tướng quân Nguyễn Phục, tướng Mai Quý Phủ, đô đốc Bùi Tá Hán. Cả ba vị đều là các danh tướng thời nhà Lê.

Tâm đan vườn trầu

Ngày nay, đôi khi người ta băn khoăn 18 Thôn Vườn Trầu gồm những thôn nào và con số 18 như là con số phiếm chỉ hay số thực? Đình phả ghi chép danh sách 20 thôn theo thống kê năm 1836 gồm: Mỹ Toàn thôn, Tân Đông Thượng thôn, Tân Đông Trung thôn, Tân Sơn Nhứt thôn, Tân Sơn Nhì thôn, Tân Thới Hạ thôn, Tân Thới Thượng Thôn, Tân Thới Trung thôn, Tân Thới Đông thôn, Tân Thới Tây thôn, Tân Thới Nhứt thôn, Tân Thới Nhì thôn, Tân Thới Tam thôn, Tân Thới Tứ thôn, Thuận Kiều thôn, Trung Chánh thôn, Trung Chánh Tây thôn, Xuân Thới thôn, Xuân Thới Đông thôn, Xuân Thới Tây thôn.

Như vậy con số lúc mới gầy dựng làng gồm 18 thôn là đáng tin cậy.

Các làng này ở vùng ngoại ô Sài Gòn - Gia Định, nuôi dưỡng và khởi phát các cuộc khởi nghĩa yêu nước. Anh Ngọc, cán bộ văn hóa xã đưa tôi đi thăm các vườn trầu nói: “Hàng trăm năm làm căn cứ cách mạng, các làng chúng tôi bị giặc đốt, cướp, phá. Người chết, rừng cau cũng tan tành”.

Người dân Bà Điểm trồng cau trên tầng thượng
Người dân Bà Điểm trồng cau trên tầng thượng.

Khi Trương Định (1820-1864) khởi quân chống Pháp, ông cũng chọn Bà Điểm làm căn cứ để từ đó đánh chiếm Sài Gòn. Ông thất bại và Pháp đàn áp nhân dân thảm khốc.

Dân ta có câu: “Từ khi giặc Pháp kéo sang/ Giày đinh xéo nát trầu vàng của ta”. Năm 1879, lãnh tụ nông dân Phan Văn Hớn chiêu tập nghĩa quân, đêm 30 Tết năm Ất Dậu (1885) vào dinh huyện giết chết đốc phủ rồi nghĩa quân tấn công vào Sài Gòn, nhưng trận đánh bị Pháp bẻ gãy.

Giặc lại kéo về, tùy tiện phá làng: “Đường làng bao lá trầu rơi/ Mỗi thân cau một thân người cột theo”.

Năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời tiếp tục chọn 18 Thôn Vườn Trầu làm căn cứ hoạt động. Có câu ca: “Trầu vàng che những cánh chim/ Trung ương Đảng ở trong tim vườn trầu”.

Lãnh đạo Đảng gồm các ông bà Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Khai…đều hoạt động tại khu vực này.

Ông Hoàng Quốc Việt – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng CSVN thời kỳ 1936 – 1939 đã viết: “Đất vườn trầu nhà nọ thông nhà kia, không rào dậu, đồng bào tốt vô chừng”.

Tháng 11 năm 1939, Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 6 khai mạc tại nhà ông Trần Văn Hy ở 18 Thôn Vườn Trầu. Tiếp tôi trong ngôi nhà còn giữ được cái bàn họp bị bom khoan thủng, Trần Trung Hiếu là cháu của ông Hy, nói: “Tôi nghe kể lại, hôm ấy bên ngoài Pháp đi tuần, nhưng ở gian trong hội nghị vẫn họp”.

Ðêm 23 tháng 11 năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Hòa cùng đồng bào khắp nơi nổi dậy, nhân dân 18 Thôn Vườn Trầu với gậy gộc, giáo mác đã đánh chiếm các cơ quan hành chính của thực dân Pháp. Khởi nghĩa gây tiếng vang lớn.

Thực dân Pháp dựng trường bắn ngay tại 18 Thôn Vườn Trầu tử hình các nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai...

Nhớ lại sự kiện đau thương đó, anh Nguyễn An Phương có mẹ là Nguyễn Thị Bưng từng nuôi giấu bà Nguyễn Thị Minh Khai nói với tôi: “Mẹ tôi là giao liên, cơm nước giặt giũ quần áo cho cô Nguyễn Thị Minh Khai. Hay tin giặc đem cô về vườn trầu xử bắn, mẹ tôi thương cô quá mà ngất xỉu”. Bà Bưng bị địch bắt được năm 1946 và chúng lập tức bắn chết.

Ông Phương kể: “Nhà tôi giặc giết hết 6 người. 15 tuổi tôi phải trốn lên căn cứ để hoạt động". Nói về vườn trầu, ông thở dài: “Khi xưa bạt ngàn, giờ binh lửa gần trăm năm nên chẳng còn là bao”.

Chân dung bà Bưng, người giao liên của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai
Chân dung bà Bưng, người giao liên của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai.

Dự án trong mơ

Người ta nói với tôi rằng trước kia cây cau mọc lên ở đâu thì gần như nhà đó là gia đình cách mạng. Bởi vậy, để tránh khủng bố người dân phải chặt bỏ vườn trầu cau hoặc đi nơi khác để ẩn mình hoạt động. Đến thời đô thị hóa đất chật người đông, kinh tế khó khăn, nhân dân lại bán vườn trầu cau để sinh sống.

18 Thôn Vườn Trầu xưa, nay hầu như chỉ còn một thôn còn khá nhiều cau trầu được trồng tập trung là ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Nhưng xem ra diện tích ngày càng bị thu hẹp.

Đi khắp xã, chỉ thấy nhà cửa mọc như nêm mà cây cau rất thưa thớt, thậm chí người dân trồng cau trên ban công để hoài niệm một thời quá vãng. Bà Phai, một người trồng cau nói: “Từ 60 cây, giờ nhà tôi chỉ còn vỏn vẹn 6 cây”. Bà trầm ngâm: “Còn ai ăn trầu nữa đâu! Buồng cau trăm trái bán chưa được một trăm ngàn đồng. Lắm khi không muốn leo hái, cứ để vậy”.

Ông Nguyễn Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm cho biết “Xã chúng tôi có 705 ha diện tích mà hiện giờ nhân khẩu đã lên tới 66.839 người, trong đó 30% là người nhập cư, chủ yếu từ các dự án bất động sản. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị tách Bà Điểm ra làm 3 xã, hoặc nâng cấp lên thị trấn, nhưng chưa có kết luận”.

Đình Tân Thới Nhứt xuống cấp kéo dài nên hiện vẫn chưa được công nhận di tích lịch sử văn hóa. Trong xã có 9 khách sạn, 33 nhà nghỉ, nhưng trường tiểu học lại đang thiếu nghiêm trọng. Lúc này đây người dân vườn trầu lại nhớ về những hàng cau giàn trầu thanh bình.

Ông Thành nói: “Chúng tôi đã đề xuất ý tưởng lập dự án quy hoạch 50ha để trồng trầu, làm nghề thủ công kết hợp du lịch văn hóa lịch sử để giữ gìn bản sắc của địa phương, nhưng dự án chưa thực hiện được”.

4-2012
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG