> Tết này: Săn rồng & 'phượt' xa
Trẻ em dân tộc làng Aur qua ống kính của dân "phượt" Nguyễn Anh Tuấn. |
Tết dương lịch 2012, một nhóm bạn trẻ miền Nam vừa có chuyến phượt xuân thú vị ở bản làng biệt lập giữa đại ngàn Trường Sơn, có tên Aur. Ngôi làng này được Tiền Phong Xuân đặc biệt giới thiệu năm 2009, và đó là đường link kết nối các bạn trẻ với địa chỉ này.
Nguyễn Anh Tuấn (Đồng Nai) cùng nhóm bạn trên dưới 20 người vừa phượt ở làng Aur (xã A Vương, Tây Giang, Quảng Nam) chia sẻ trên facebook: trải qua những cung đường gian nan vất vả, đi bộ qua những con dốc dựng đứng, cheo leo rợn tóc gáy, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với Aur, bản đẹp như tranh vẽ, xứng đáng là “Singapore giữa đại ngàn Trường Sơn”.
Tuấn tâm sự: Tôi đã đi phượt nhiều nơi, nhưng tin rằng chưa ở nơi đâu cho đến thời điểm này, tình người lại ấm áp đến vậy. Người làng Aur quý khách như người thân của họ.
Hai ngày ở với người Cơ Tu tại làng Aur, Tuấn và các bạn trẻ mới thấm thía sự yêu mến đầy ắp như 20 phần cơm, canh của 20 nóc nhà trong làng đến vậy.
Cũng tại làng Aur, Tuấn và các bạn được tìm hiểu về những tập tục kỳ lạ, độc đáo, những nét văn hóa Cơ Tu mà từ trước đến nay, chỉ mới xem qua sách báo, tivi.
“Làng Aur giờ đây không còn ở chỗ cũ mà đã chuyển lên địa điểm mới, một ngọn núi cao hơn, quanh năm mây phủ, hoàn toàn biệt lập. Đây là chuyến du xuân thú vị nhất mà bọn em trải nghiệm. Chắc chắn, em cùng bạn bè sẽ kết nối với nhau và tiếp tục khám phá, tìm hiểu vùng đất hoang dã này. Những câu chuyện về chum ché cổ xưa, các tập tục huyền bí đại ngàn, câu chuyện mẹ A lăng Thảo bắn cọp, bắn rơi máy bay Mỹ và đặc biệt khung cảnh hoang sơ hùng vĩ, không khí trong lành của những ngôi làng biệt lập ở Trường Sơn khiến bọn em không muốn rời” - Tuấn tâm sự.
Du lịch thoát nghèo
Chum ché cổ ở làng Aur. Ảnh: N.C. |
Có lẽ, nét dân dã hoang sơ của các bản làng Cơ Tu nhiều năm gần đây đã được các nhà khai thác du lịch cũng như chính quyền địa phương quan tâm. Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở mức… quan tâm chứ chưa được đầu tư đúng mức, phát triển chuyên nghiệp hóa.
Ông Bhriu Liếc - Bí thư huyện ủy Tây Giang tâm sự rằng, núi rừng Quảng Nam cùng những câu chuyện huyền bí luôn hấp dẫn du khách, nhưng trước đến nay, gần như chỉ có các nhà báo, nhiếp ảnh gia quan tâm đến vùng đất này, còn giới kinh doanh du lịch hầu như bỏ ngỏ.
Trên thực tế, những năm qua, ngoài Mỹ Sơn và Hội An, cùng với các sản phẩm du lịch dân dã, ngành du lịch địa phương cũng như chính quyền Quảng Nam đã quan tâm đến những địa chỉ có thể thu hút du khách như đá cổ ở Tiên Phước, hồ đập thủy lợi ở Phú Ninh, hay di tích cách mạng Khu ủy khu 5 ở Nước Oa Trà My, Phước Gia, Hiệp Đức, suối mát Hòn Tàu của Quế Sơn…
Mới đây, tổ chức Lao động quốc tế ILO đã triển khai dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” nhằm mục tiêu giảm nghèo cho người dân địa phương.
Theo bà Mimi Groenbech - cố vấn trưởng dự án, du lịch về các vùng sâu vùng xa đã được các ban ngành liên quan ở địa phương ủng hộ và quan tâm đặc biệt. Dự án sẽ tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người nghèo Quảng Nam.
“Trong thời gian thực hiện dự án, đến nay, cơ bản chúng tôi đã giải mã được các vấn đề là tại sao các sản phẩm du lịch còn kém chất lượng và không có khả năng cạnh tranh; tại sao địa điểm du lịch tại các huyện sâu trong đất liền còn hạn chế; hay tại sao đội ngũ nhân lực trong ngành dịch vụ có tay nghề còn thiếu hụt, v.v.
Từ đó, cần phải giải quyết tốt 3 vấn đề cơ bản, gồm: phát triển du lịch tại các huyện sâu trong đất liền, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, và phát triển sản phẩm du lịch địa phương, trong đó có các vấn đề liên quan đến công việc trong ngành du lịch (tốc độ thay thế nhân công cao, đội ngũ nhân viên không qua đào tạo và không nhận thức được quyền lợi lao động) và tạo điều kiện cho các địa phương trong đất liền hưởng lợi từ phát triển du lịch” - bà Mimi Groenbech nói.