Dấu hiệu hình sự vụ giấu hơn 43m3 gỗ lậu trong giấy phế liệu

Lực lượng chức năng phối hợp khám xét lô hàng vi phạm.
Lực lượng chức năng phối hợp khám xét lô hàng vi phạm.
TPO - Chiều 8/11, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Trị cho biết, sau hơn 2 tháng vụ hơn 43 m3 gỗ lậu được ngụy trang bằng giấy phế liệu nhập khẩu (NK) có trị giá gần 800 triệu đồng bị lực lượng Hải quan và Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay phối hợp bắt giữ, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng.

Gia cố thùng xe chứa gỗ lậu

Ngày 6/9/2018, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Cục Hải quan Quảng Trị) làm thủ tục NK hàng hóa có trọng lượng 80 tấn là “Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa), giấy Kraff hoặc giấy hoặc bìa sóng chưa tẩy trắng” cho tờ khai số 102199649311/A11 mở ngày 4/9/2018. Cty TNHH Minh Hoàng (số 20, Đường Nam, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) là chủ hàng.

Ông Lê Văn Phi (trú xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) là diện Cty đến làm thủ tục theo Giấy giới thiệu số 1 ngày 5/9/2018 của Cty. Lô hàng vận chuyển trên 4 xe ôtô đầu kéo lần lượt mang biển kiểm soát 74C-03712 + 74R-00256, 74C-03189+ 74R-00031, 74C-03419 + 37R-00238 và 74C-03398 + 74R-00118. Song trong quá trình làm thủ tục NK cho lô hàng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay nhận được tin báo trong lô hàng có gia cố, cất giấu gỗ không khai báo Hải quan.

Sau khi xác minh nguồn tin có cơ sở, Chi cục phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay tiến hành khám xét và phát hiện trên 3/4 xe ô tô đầu kéo (74C. 03712 + 74R. 00256, 74C. 03 189 + 74R 00051, 74C 03419 + 37R. 00238) có một số lượng lớn gỗ không khai báo, không có hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp được cất giấu trong các kiện giấy phế liệu gồm 6.043 thanh.

Lý giải việc này, bà Hồ Thị Thúy Hoa, Giám đốc Cty TNHH Minh Hoàng cho hay, Cty NK giấy phế liệu từ Ctỵ TNHH Nông sản Hung Xay Nha Sirng Cha Lơn ở tỉnh Chăm Pa Sắc (Lào) do ông Trần Xuân Công (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là Phó Giám đốc chịu trách nhiệm làm thủ tục đưa hàng hóa từ Lào về đến kho của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở Thái Nguyên. Cty TNHH Minh Hoàng không biết việc giấu gỗ trong các kiện hàng.

Còn ông Trần Xuân Công đã thừa nhận lúc làm việc với Hải quan Quảng Trị rằng, số gỗ giấu trong lô hàng giấy phế liệu do ông nhận mua của một người Lào, sau đó thuê nhân công dùng máy thủy lực bao giấy phế liệu xung quanh thành từng kiện, xếp cùng các kiện không chứa gỗ để NK về Việt Nam. Các lái xe, Cty Minh Hoàng và ông Lê Văn Phi không biết về số gỗ này trong quá trình đóng kiện và bốc xếp các kiện có gỗ lên xe.

Dấu hiệu hình sự vụ giấu hơn 43m3 gỗ lậu trong giấy phế liệu ảnh 1

Giấy phế liệu chứa gỗ lậu. ẢNH: HQQT.

Ngày 19/9/2098, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế La Lay đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với Cty Minh Hoàng vì Chi cục nhận thấy mặc dù lời khai của các đối tượng liên quan có sự thống nhất, song chưa đủ cơ sở để khẳng định Cty Minh Hoàng không liên quan đến số gỗ vi phạm, bởi theo quy định của pháp luật, Cty Minh Hoàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình được quy định tại điểm c, khoản 2 điều 18, Luật Hải quan.

Dấu hiệu hình sự

Cục Hải quan Quảng Trị xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự của tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, theo Điều 189, Bộ luật Hình sự 2015, hoặc tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo Điểm n, khoản 2, Điều 232, Bộ luật Hình sự 2015 do tổng khối lượng tang vật hơn 37 m3 gỗ quy tròn loài thực vật rừng thông thường và hơn 5 m3 gỗ quy tròn có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Ngày 2/10/2018, tại buổi làm việc liên ngành gồm Cục Hải quan Quảng Trị, Cơ quan CSĐT Công an Quảng Trị và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị, đã thống nhất vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của Cty Minh Hoàng có dấu hiệu hình sự.

Hành vi xâm hại tác động đến hai loại đối tượng khác nhau. Cụ thể, đối với tang vật vi phạm là gỗ Hương (37,722 m3 quy tròn), không thuộc Phụ lục của CITES: Có dấu hiệu hình sự theo Điều 232, Bộ luật Hình sự 2015, tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản vì vận chuyển hoặc mua bán trái phép từ 20 m3 đến 40 m3 gỗ loài thực vật rừng thông thường, quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 232 (Công an Quảng Trị có thẩm quyền điều tra, khởi tố).

Đối với tang vật vi phạm là gỗ Cẩm Lai (5,794 m3 gỗ quy tròn), có tên trong Phụ lục II CITES: Do tang vật chưa đủ theo quy định tại khoản 1, điều 232. Thế nhưng, gỗ Cẩm Lai có trị giá trên 100 triệu đồng, đáp ứng dấu hiệu hình sự của Điều 189, Bộ luật Hình sự 2015 (Tội danh cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra khởi tố).

Ngày 10/10/2018, căn cứ vào Điều 12, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BCT-BNN&PTNT-VKSNDTC về giải quyết trường hợp liên quan đến nhiều đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cục Hải quan Quảng Trị đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cùng toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm, tài liệu liên quan đến Cơ quan CSĐT, Công an Quảng Trị để xử lý theo thẩm quyền. Vậy nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng.

MỚI - NÓNG