Những cách ăn uống sai nghiêm trọng
Ăn uống không đúng giờ: Các nghiên cứu cho thấy, khi ăn đúng giờ, dạ dày sẽ tiết dịch vị tiêu hoá thức ăn, nhưng nếu bạn ăn uống thất thường, dạ dày vẫn duy trì thói quen đó. Lâu dần, cơ chế cân bằng giữa sự tiết và bảo vệ bị rối loạn dẫn đến bệnh đau dạ dày.
Ăn quá nhiều vào buổi tối: Ăn tối quá no hoặc ăn trước khi đi ngủ cũng là sai lầm nghiêm trọng nhưng lại có rất nhiều người mắc phải. Thói quen này về lâu dài sẽ khiến cho dạ dày bị viêm loét. Bởi khi ngủ, cơ thể đã ở trạng thái thư giãn, lượng máu đến dạ dày giảm, trong khi đó, vì ăn quá no nên dạ dày vẫn phải tiết dịch vị tiêu hoá thức ăn, gây hại cho dạ dày.
Ăn quá nhanh: Thói quen không tốt này sẽ khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Lúc này, thức ăn sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, đồng thời cũng làm giảm nhu động dạ dày.
Ăn uống thế nào để dạ dày luôn khỏe?
Các chuyên gia khuyên rằng, để bảo vệ dạ dày, tất cả mọi người đều không nên ăn quá no vì sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axít có hại, dễ gây đau. Khi ăn nên nhai kỹ, nuốt từ từ, vì trong khi nhai nước bọt sẽ tiết ra nhiều enzym giúp tiêu hoá thức ăn, làm giảm gánh nặng cho dạ dày.
Với những người dạ dày đã bị tổn thương, nên ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu hóa như cháo, khoai lang, cơm nhão… Đặc biệt, người bị đau dạ dày cũng cần hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ nướng vì các đồ ăn nêu trên có thể lâu tiêu khiến máu nhiễm mỡ, không tốt cho sức khỏe.
Người bị đau dạ dày cũng không nên uống nước trước, trong hoặc ngay sau khi ăn vì sẽ làm loãng dịch vị axit trong dạ dày, làm ảnh hưởng tới việc tiêu hóa thức ăn. Theo đó, thời điểm uống nước tốt nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm và một giờ trước khi ăn.