“Dâu con - rể khách”

“Dâu con - rể khách”
Đối với gia đình bên vợ, rể thường được xem như khách; có người trở thành “khách quý” nhưng cũng có người là… “khách lạ”.

Yêu con rể như con ruột

Nhà ông Lực (TP Nha Trang- Khánh Hòa ) có ba chàng rể. Người nào cũng thành đạt, giỏi giang. Chiều thứ bảy nào, ba gia đình nhỏ cũng kéo về bên ngoại để “gặp nhau cuối tuần”.

Ba chàng rể và bố vợ tỏ ra rất “tâm đầu ý hợp” trong mọi lĩnh vực. Hàng xóm, bạn bè của ông Lực rất ngưỡng mộ cảnh hạnh phúc này. Họ bảo, rể nhà ông Lực không phải là “khách” mà là con, cứ nhìn cách vợ chồng ông ấy đối xử với họ cũng đủ thấy, ông bà thương rể như con ruột.

Ông Lực nói: “May mắn là tôi có ba đứa con rể tính tình hiền lành, chịu khó làm ăn, biết cách cư xử. Tôi nghĩ, rể là con hay “khách” cũng là do mình cả. Ở gia đình tôi, mọi việc đều rất dân chủ, rể cũng có quyền tham gia thảo luận khi có vấn đề gì đó. Thậm chí, có nhiều chuyện tôi còn phải tham khảo ý kiến các chàng rể đó!”.

Năm ngoái, ông Lực bán một lô đất ven thành phố. Số tiền đó, ngoài phần dành cho vợ chồng dưỡng già, ông chia phần cho các con như nhau. Ngay cả lúc họp công bố di chúc, ông cũng “triệu tập” các con rể và tham khảo ý kiến từng người.

Anh Quang - con rể đầu của ông Lực nhận xét: “Bố mẹ vợ tôi là những người tốt. Ngay từ đầu về nhà vợ ra mắt, tôi đã rất ấn tượng với ông bà. Họ niềm nở, vui vẻ, coi như con cháu trong nhà, hoàn toàn không có khoảng cách. Gần 8 năm qua, tôi thật sự xem ông bà như cha mẹ đẻ của mình. Các anh em “cọc chèo” của tôi cũng thế”.

Vị khách đặc biệt

Cũng làm rể được ngần ấy thời gian như anh Quang, nhưng với anh Trần Hoàng - kiến trúc sư, mỗi lần về nhà vợ, anh lại cảm thấy mình như một “vị khách” đặc biệt.

Chả là quê vợ anh ở tận Quảng Bình, một năm anh chỉ về nhà vợ một lần vào dịp Tết. Lần nào về, anh cũng lóng nga lóng ngóng như người thừa trong gia đình, dù nhà vợ anh rất “cưng chiều” con rể. Bố mẹ và các anh chị em bên vợ lúc nào cũng “ưu tiên” cho anh con rể ở xa, họ phục vụ anh rất chu đáo, nhiệt tình, không cho anh đụng tay đụng chân vào bất cứ chuyện gì.

Mỗi lần về chơi, anh Hoàng chỉ có việc duy nhất là ngồi... uống trà “hầu chuyện” với bố vợ. Tuy nhiên, do thỉnh thoảng mới gặp, lại không rành tiếng địa phương nên có những câu chuyện giữa bố vợ và con rể người nói một đằng, người hiểu một nẻo! Nhưng “kinh khủng” nhất với anh Hoàng là luôn được bố vợ “ưu ái” trong những bữa nhậu, cứ bố một ly là con cũng một ly. Nhiều khi anh muốn từ chối nhưng lại bị bố vợ khích: “rể của nhà này làm vậy coi sao được, bố vợ còn nâng ly thế này mà con rể đã hạ ly là sao?”.

Nhưng lần nào cũng vậy, anh con rể ở xa luôn là người bị “knock-out” đầu tiên, bởi hết bố vợ lại đến anh vợ, em vợ, họ hàng vợ thi nhau chúc tụng, kết quả là 5 ngày ở nhà vợ thì hết 4 ngày anh Hoàng say bét nhè!

Anh Hoàng tâm sự: “Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì gia đình vợ rất tuyệt vời. Các thành viên trong gia đình đều hòa thuận, vui vẻ và dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Do đó, tuy là “khách” nhưng tôi không bị đối xử như “khách lạ”, mà là “khách quý”“. Bố mẹ vợ của anh Hoàng cũng hết lời khen ngợi chàng rể Nha Trang vì anh hiền lành, chất phác, hết lòng thương yêu vợ con.

Khi không xóa bỏ được mặc cảm

Còn với anh Trí - nhân viên Điện lực, mỗi lần nói đến bên vợ, anh lại... thở dài ngao ngán.

Nhà vợ anh khá giả, có 2 cô con gái, bố vợ thì mất đã lâu. Mẹ vợ ở với gia đình cô chị cả, còn vợ chồng anh ra riêng. Ngay từ khi vợ chồng anh quen nhau, mẹ vợ đã phản đối dữ dội, chỉ vì anh là con nhà nghèo. Nhưng “trời không chịu đất, đất cũng phải chịu trời”, rốt cuộc thì mẹ vợ anh cũng phải đồng ý cho vợ chồng anh nên duyên.

Mặc dù được ra riêng, có nhà cửa ổn định nhưng anh Trí lúc nào cũng mặc cảm vì tất cả đều là của bên vợ. Thêm vào đó, cách cư xử của bà mẹ vợ khiến anh không thể vui vẻ và xóa đi khoảng cách “mẹ vợ, con rể” vốn đã không tốt đẹp ngay từ đầu. Mẹ vợ anh lúc nào cũng xưng “anh, tôi” nghe rất xa lạ và khách sáo.

Mỗi lần về nhà vợ chơi, anh Trí lúc nào cũng nghe những lời mát mẻ của mẹ vợ: “Khổ thân con gái tôi, lấy chồng nghèo nên mới phải nai lưng cày cục thế này...”, “Anh chị là sướng nhất rồi còn gì, khối người cưới vợ xong phải ở thuê ở trọ, đằng này được ở nhà cao cửa rộng, không do tôi thì do ai kia chứ...”.

Khổ nhất là mỗi khi vợ chồng anh có chuyện hục hặc, đến tai mẹ vợ, thế nào bà cũng lôi anh ra mắng te tua, không cần xem nguyên nhân đúng sai tại ai. “Tôi nói cho anh biết nhé, cái Ngân nhà này là “cành vàng lá ngọc”, anh mà đụng vào nó thì không yên với tôi đâu. Liệu mà cư xử, còn không có ngày mất vợ mất con thì đừng trách...” - mẹ vợ anh thường nói như thế khi gia đình anh lục đục. Cũng may là vợ anh cũng biết cư xử nên nhiều lần dù bị mẹ vợ nặng lời, anh Trí vẫn cố nhịn cho qua.

Nhưng nhiều lần anh vẫn cảm thấy tủi thân khi cùng là phận rể nhưng anh con rể đầu lại được mẹ vợ đối xử như “khách quý”, chỉ vì anh này giàu có, có địa vị; trong khi anh lại bị đối xử như “khách lạ”, thường xuyên hứng chịu thái độ mưa nắng thất thường của mẹ vợ.

“Cũng may là tôi không ở rể, nếu không chắc cũng “bứt sô” sớm. Nhiều lúc mâu thuẫn vợ chồng là do... mẹ vợ gây ra nhưng tôi vẫn cố chịu đựng và bỏ qua. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thường tự hỏi không lẽ cái giá của việc lấy vợ giàu là như thế?” - anh Trí tâm sự.

Thực tế, có nhiều người thể hiện tốt vai trò là rể nhưng cũng có không ít người đối xử tệ với gia đình vợ. Mới đây, việc cặp vợ chồng H.N.H và V.T.B ở TP. Nha Trang bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã khiến nhiều người sốc khi nạn nhân chính là bà mẹ vợ! H.đã lấy trộm sổ đỏ của mẹ vợ đem thế chấp cho hai người khác, lừa lấy hơn 1tỷ đồng. Điều đáng nói là việc làm của “ông con rể quý hóa” này lại được vợ mình giúp sức tích cực. Có lẽ, khi nhận lại được sổ đỏ, bà mẹ vợ chắc cũng chẳng vui gì khi đứa con gái do mình rứt ruột đẻ ra lại trở thành kẻ tòng phạm và đối diện với án tù cùng với chồng!

Nhiều gia đình khác cũng ngao ngán với những “vị khách” vốn là đệ tử của ma men, cờ bạc, hút xách:

“Cứ tưởng con gái lấy chồng chí thú làm ăn, nào ngờ lấy phải một tay nghiện hút. Khổ thân nó mà cũng khổ cho gia đình tôi, mỗi lần nó “lên cơn”, cả nhà tôi giống như... chạy loạn. Xin tiền không cho, nó đánh vợ, đánh cả bố mẹ vợ; thậm chí còn lấy trộm đồ đem đi bán. Đợt vừa rồi, nó bị bắt do bán ma túy. Con gái tôi nhân cơ hội này cũng làm đơn ly hôn; cả nhà tôi thở phào nhẹ nhõm...” - ông V. - một ông bố vợ kể về “vị khách” của gia đình mình với vẻ ngán ngẩm.

Theo Kỳ Văn
Gia đình & Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.