Mugabe là một trong những biểu tượng chói lọi của cao trào giải phóng dân tộc. Giành độc lập từ tay thực dân Anh và lãnh đạo đất nước từ 1980, ông thành biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được tôn vinh anh hùng dân tộc ở Zimbabwe, quốc gia từng mang danh hiệu “ổ bánh mỳ châu Phi”. Cùng với ngoại trưởng Anh khi đó Peter Carrington, ông còn được đề cử giải Nobel hoà bình.
Những năm đầu tràn ngập cảm xúc hân hoan, tất cả cho dân, vì dân. Trong kế hoạch 5 năm thứ nhất, ông tăng cường dịch vụ trợ cấp công ích, xây dựng hàng loạt cơ sở giáo dục và khám bệnh. Nhưng khi sự hứng khởi nhạt dần, khuyết tật bắt đầu bộc lộ.
Ông cứ ngỡ đất nước có thể chiến thắng mọi kẻ thù, kể cả đói nghèo, bằng ý chí là chính. Khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, ông vẫn không nhận ra sai lầm. Coi nông dân làm ăn thua lỗ không phải do kiến thức và quản lý yếu, ông quốc hữu hoá nhanh như chớp 4.500 đồn điền của người da trắng để chia lại cho dân nghèo.
Hậu quả gần như tức thì. Nền kinh tế dựa vào nông nghiệp lên cơn đột quỵ với lạm phát hằng tháng không tưởng 7.9 tỷ% vào năm 2008. Có lúc, cứ sau một ngày đêm, giá hàng hoá tăng gấp đôi, thất nghiệp lên đến 80% lực lượng lao động.
Hậu quả khủng khiếp hơn là sự thoái hoá của cả bộ máy toàn trị khi nó trở thành một ổ tham nhũng từ tổng thổng trở xuống. Một chế độ với mục tiêu tốt đẹp ban đầu sản sinh hàng loạt quan tham. Điển hình là ông Mnangagwa, tay phải của lãnh tụ Mugabe cho đến 6/11 với hỗn danh “cá sấu”, cũng như tướng Chiwenga làm binh biến ngày 15/11.
Họ đều dính ít nhất một tội ác là tàn sát 20.000 đồng bào và giờ đều là trụ cột của chính quyền mới. Đây là cuộc chuyển quyền lực giữa các lãnh đạo khét tiếng của thể chế cũ chứ chẳng phải do cuộc cách mạng nào. Ông Mnangagwa phủ định thủ trưởng cũ của mình chưa thể nói lên điều gì. Cần phủ định lần nữa cách nghĩ và cách làm cũ mới mong tạo điểm nút, tạo bước nhảy vọt về chất.
Lãnh tụ đảng đối lập không được mời dự lễ nhậm chức lịch sử của ông Mnangagwa. Còn vợ chồng cựu độc tài Mugabe một đôi tuần tới sẽ sang Singapore điều dưỡng. Thế mới biết thay ghế thì dễ nhưng chuyển hoá quan điểm lãnh đạo không thể mong ngày một ngày hai.