Masan High-Tech Materials là nhà sản xuất khoáng sản và hóa chất công nghiệp tích hợp lớn nhất Việt Nam. Mỏ đa kim Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) do Công ty quản lý và vận hành là mỏ vonfram quy mô lớn đầu tiên được triển khai và đưa vào sản xuất thành công 20 năm qua. Mỏ Núi Pháo đã được các nhà phân tích hàng đầu trong ngành công nghiệp khai khoáng đánh giá là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới với trữ lượng quặng tiềm năng đã được chứng minh là 66 triệu tấn.
Đầu tư mạnh vào R&D, tăng tốc đổi mới sáng tạo
Trong những năm gần đây, nhờ tập trung đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, từng bước làm chủ được công nghệ, Masan High-Tech Materials dần khẳng định được năng lực và vị thế của mình trên các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ năm 2015, Masan High-Tech Materials đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm công nghệ cao (R&D). Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tối ưu hóa nguồn tài nguyên, Công ty đã tập trung đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đào tạo nhân lực giàu chuyên môn, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, đem lại giá trị xuất khẩu cao. Năm 2017, Công ty đã đầu tư thêm hai dây chuyền công nghệ cao với số vốn trên 9 triệu USD, bao gồm: Dây chuyền tinh luyện Florit và dây chuyền thu hồi triệt để Vonfram bằng tuyển trọng lực. Đây là hai dây chuyền hiện đại nhất trên thế giới tại thời điểm đó.
Masan High-Tech Materials còn là doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng sử dụng kính thực tế ảo Hololens 2, một sản phẩm công nghệ mới nhất của hãng Microsoft cho hoạt động sản xuất, vận hành. Với kính thực tế ảo Hololens, các chuyên gia mặc dù không có mặt tại chỗ nhưng vẫn có thể “nhìn thực tế” và hướng dẫn nhân sự trực tiếp xử lý tình huống thành thục dễ dàng. Theo ông Craig Bradshaw, CEO của Masan High-Tech Materials, Masan High-Tech Materials là một trong số ít đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu kính thực tế ảo Hololens nhằm đảm bảo quá trình vận hành thông suốt và giảm tác động của Covid-19 nhiều chuyên gia vẫn đang mắc kẹt bên ngoài Việt Nam. Đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số xuyên suốt các hoạt động của Masan High-Tech Materials.
Các dòng sản phẩm của Masan High-Tech Materials là những thành tố then chốt trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, tích hợp vào những cải tiến đang diễn ra trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, in 3D, khoa học người máy, ô tô điện, năng lượng tái tạo, y khoa và hàng không vũ trụ.
Phát triển bền vững đi cùng kết quả kinh doanh tích cực
Năm 2020 là năm thứ ba liên tiếp Masan High-Tech Materials vinh dự nằm trong Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Toàn bộ các trạm quan trắc nước thải tự động của Công ty được kết nối và truyền trực tiếp số liệu quan trắc về cơ sở dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, đảm bảo chất lượng nước thải luôn trong tiêu chuẩn cho phép. Hơn 121.000 cây xanh đã được ươm trồng, tổng diện tích trồng cỏ, trồng cây phủ xanh, chống xói mòn tính đến hết năm 2020 là 67 ha. Năm 2020, Công ty tái sử dụng gần 7,7 triệu m3 nước thải, chiếm 75% tổng lượng nước sử dụng. Năm 2020, tỷ lệ chất thải tái chế được thu gom, chuyển giao chiếm 37% tổng lượng chất thải phát sinh, tái sử dụng được khoảng 987.000 m3 đất đá thải sạch, chiếm gần 20% tổng lượng đất đá thải phát sinh. Tính đến hết năm 2020, đã cải tạo phục hồi được 63,85ha các sườn bãi thải, các khu vực bị xáo trộn.
H.C. Starck (Công ty thành viên) đã giải quyết được phần lớn các nhu cầu về nguyên liệu thô tại Goslar (Đức) bằng cách tái chế phế liệu chứa vonfram, được mua trên thị trường và nhận được từ khách hàng trong khuôn khổ các chương trình chuyển đổi hoặc tái chế chuyên dụng. Do đó, tỷ lệ tái chế từ nguyên liệu thô thu mua tăng đều và đạt trên 75% trong năm 2020. Đây là một tỷ lệ rất cao và đáng khích lệ, trong khi tỷ lệ tái chế trong ngành công nghiệp vonfram ước tính ở mức 25-30% và dao động rất lớn ở các vùng khác nhau trên thế giới từ 15 - 50%.
Nửa đầu năm 2021, Masan High-Tech Materials đã ghi nhận các kết quả kinh doanh tích cực: doanh thu thuần đạt 6.107 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, tăng mạnh 137,6% so với mức 2.570 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Động lực thúc đẩy tăng trưởng của Công ty đến từ nhu cầu mua sắm vật liệu công nghiệp công nghệ cao hồi phục sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, giá hàng hóa cao hơn và tác động từ việc hợp nhất H. C. Starck (HCS). Với việc sáp nhập mảng kinh doanh vonfram của HCS, các sản phẩm chế biến sâu như hóa chất vonfram và vonfram cacbua – những vật liệu có vai trò quan trọng trong các tiến bộ công nghệ mới nhất trên thế giới có giá trị gia tăng cao hơn, hiện chiếm 68% doanh thu thuần của Masan High-Tech Materials. Điều này đã khẳng định sự chuyển đổi thành công của Masan High-Tech Materials từ nhà khai thác khoáng sản trở thành nhà chế biến vật liệu công nghiệp cận sâu ở quy mô toàn cầu.
Doanh nghiệp khai khoáng tiêu biểu của Việt Nam được đề cử giải thưởng Khoáng sản ASEAN
Từ 6-8/10/ 2021, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về khoáng sản với ba nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Trong khuôn khổ Hội nghị này, Masan High-Tech Materials được đánh giá là một điển hình tiêu biểu cho các doanh nghiệp khai khoáng của Việt Nam. Đồng thời, Masan High-Tech Materials được đề cử xét duyệt cho giải thưởng “Khoáng sản ASEAN”. Doanh nghiệp tham gia xét duyệt giải thưởng uy tín này được đánh giá dựa trên các tiêu chí về Tính ảnh hưởng (Phát triển cộng đồng - Đóng góp cho nguồn cung khoáng sản ASEAN - Phát triển nguồn nhân lực - Năng suất và hiệu quả tài nguyên); Tính bền vững;...