Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện 337

TP - Nhiều năm qua, bằng sức trẻ và nhiệt huyết cống hiến, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337 thuộc Quân khu 4, đã góp phần thay đổi diện mạo các bản làng biên giới và để lại dấu ấn tốt đẹp.

Tình nguyện vào nơi gian khó

Tốt nghiệp chuyên ngành Dược của Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ năm 2019, sau hơn 3 năm công tác trong ngành y tế ở Hà Nội, cô gái trẻ Hà Thị Hoa đã tình nguyện viết đơn và cùng 23 bạn trẻ khác tham gia lực lượng TTTTN của Đoàn KT-QP 337.

Công việc chủ yếu của Hoa và các đội viên TTTTN là cùng với cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền 5 xã thuộc vùng dự án KT-QP Khe Sanh ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không di cư, vượt biên trái phép; vận động, tiếp sức các em nhỏ đến trường.

Hoa cùng với các bạn TTTTN có chuyên ngành đào tạo y dược, thường xuyên tổ chức thăm khám, cấp thuốc, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng ngừa bệnh tật, cách ăn uống hợp vệ sinh, không chữa bệnh theo thầy cúng; chăm sóc các bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh xá quân dân y đơn vị…

Cô gái quê Hà Tĩnh chia sẻ, những ngày đầu đến đây, Hoa rất bỡ ngỡ vì nhớ nhà, chưa quen với môi trường, giờ giấc trong Quân đội, thậm chí có lúc nghĩ mình không thể vượt qua. “Những lúc ngã lòng thì hình ảnh các em nhỏ và bà con dân bản đang khó khăn, vất vả, thường xuyên ốm đau… khiến tôi có thêm động lực và niềm tin. Được thử sức mình trên vùng đất gian khó giúp tôi trưởng thành hơn, có thêm nghị lực trong cuộc sống. Tôi xác định nếu có cơ hội sẽ gắn bó lâu dài nơi miền biên giới này”, Hà Thị Hoa nói.

Qua 12 năm triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP giai đoạn 2010-2020” (Dự án 174), Đoàn KT-QP 337 đã tuyển dụng 6 đợt, thu hút 162 lượt đội viên TTTTN viết đơn tình nguyện tham gia. 162 TTTTN được tuyển dụng đều có trình độ, năng lực, các ngành, nghề phù hợp với đặc thù nhiệm vụ và có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Quá trình công tác, nhiều kỷ niệm đáng nhớ đã khắc sâu trong tâm trí của các đội viên TTTTN. Hoa kể, lần đầu đến gặp các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số để hướng dẫn cách chăm sóc trâu, bò, Hoa bị họ đuổi về do bất đồng ngôn ngữ. Sau lần đó, Hoa phải tranh thủ học tiếng dân tộc để thuận lợi hơn trong công việc.

TTTTN Đoàn KT-QP 337 khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con địa phương

“Khi đến với bà con dân bản nhiều bạn rất ngại vì không hiểu tiếng đồng bào nên ban đầu rất khó khăn trong giao tiếp. Tuy nhiên, khi được mọi người chỉ bảo một số từ ngữ phổ thông thì chúng tôi đã mạnh dạn hơn. Đồng bào ở đây tuy nghèo khó nhưng luôn dành cho chúng tôi sự sẻ chia ấm áp, dù đó chỉ là củ sắn, củ khoai trên nương rẫy hay sẵn sàng cho chúng tôi mượn những bộ trang phục truyền thống mà họ rất nâng niu để biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con”, Hoa tâm sự.

“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ 2 năm, phần lớn trí thức trẻ tình nguyện đều xung phong ở lại gắn bó lâu dài với đơn vị và địa bàn. Họ đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn dự án KT-QP”.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THẠO - Chính ủy Đoàn KT-QP 337

Là người dân tộc Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở chính mảnh đất Hướng Hóa, năm 2020 Hồ Văn Thon tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế. Không như nhiều sinh viên cùng quê sau, khi tốt nghiệp thường ở lại thành phố để lập nghiệp, dù có nhiều cơ hội việc làm, nhưng Thon quyết định về quê và tình nguyện xung phong trở thành đội viên TTTTN Trung đoàn 52 thuộc Đoàn KT-QP 337.

Niềm vui cống hiến sức trẻ của nữ TTTTN ở Đoàn KT-QP 337 trong Chiến dịch Hè tình nguyện 2022

“Quê hương nơi mình sinh ra còn nghèo khó. Trong khi nhiều bạn miền xuôi, thành phố tình nguyện lên đây giúp đồng bào thì không lẽ mình lại ở thành phố. Tôi tham gia lực lượng TTTTN để có điều kiện giúp đỡ chính đồng bào mình và xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn”, Hồ Văn Thon bộc bạch.

“4 cùng” với đồng bào

Khu KT-QP Khe Sanh gồm 5 xã: Hướng Linh, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Phùng. Đây là những xã có cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao thông vào các bản rất khó khăn, nhất là mùa mưa bão. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, các tệ nạn xã hội, di cư… diễn ra hết sức phức tạp.

Sau khi được tuyển dụng, với tinh thần tình nguyện và khát vọng được cống hiến, các TTTTN đã cùng với cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 337 đến với người dân để “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) với mục đích giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống. Mới đây, ngay trong Chiến dịch Hè tình nguyện năm 2022, cán bộ, TTTTN Đoàn KT-QP 337 đã giúp rất nhiều gia đình làm chuồng trại chăn nuôi, củng cố vệ sinh nhà cửa, vườn tược, tặng quà, sách vở học tập cho các em nhỏ...

“Trước đây, bộ đội và các tình nguyện viên Đoàn KT-QP 337 hỗ trợ cho mình xây được cái nhà để ở, nay lại về giúp gia đình làm chuồng để nuôi bò, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, lại còn khám, cấp thuốc miễn phí, giúp làm vườn rau, vệ sinh nhà cửa, vườn tược nữa. Gia đình mình sẽ cố gắng chăm chỉ lao động sản xuất để thoát nghèo, có điều kiện cho con học hành tốt hơn”, chị Hồ Thị Hùng ở thôn Hong Mới, xã Hướng Linh - một trong những hộ nghèo của xã xúc động nói.

Cùng đó, các đội viên TTTTN Đoàn KT-QP 337 còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn hoá, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng các điểm dân cư, các bản làng văn hoá. Đặc biệt là tích cực bám dân, bám bản để tuyên truyền cho đồng bào nói không các tệ nạn xã hội, nạn tảo hôn, chấp hành nghiêm luật giao thông… Phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể 5 xã trong vùng dự án mở lớp xóa mù chữ, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

Theo ông Hồ Văn Khun - Bí thư thôn Tri (xã Hướng Việt), thôn có 48 hộ với 235 nhân khẩu, trước đây, làng ở tận trên núi cao, rừng sâu, đường sá đi lại khó khăn, người dân không biết chữ, nhận thức, suy nghĩ còn lạc hậu, nên cuộc sống quanh năm túng thiếu. Năm 2015, cán bộ, chiến sĩ, TTTTN Đoàn KT-QP 337 đã đến và “4 cùng” với bà con.

“Được bộ đội và TTTTN tuyên truyền, vận động nên người dân chúng tôi bàn bạc và quyết định xuống núi, ổn định chỗ ở, không du canh du cư nữa. Được Đoàn KT-QP 337 hỗ trợ, cấp giống và TTTTN hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng, hỗ trợ sản xuất, giúp mở đường, xây các điểm trường, đường nước sạch… ai nấy đều rất phấn khởi, yên tâm gắn bó xây dựng thôn mình”, ông Khun nói.

Đại tá Nguyễn Đức Thạo - Chính ủy Đoàn KT-QP 337 cho biết, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để đội ngũ TTTTN hoàn thành nhiệm vụ. Phát huy sức trẻ, thời gian qua Ban Dự án 174 của Đoàn đã đưa TTTTN về với bà con nhân dân thông qua các hoạt động dân vận, xây dựng nông thôn mới, chiến dịch hè tình nguyện... để học tập, rèn luyện, phát huy kiến thức, năng lực, sức sáng tạo của mình vào xây dựng đơn vị và giúp nhân dân trên địa bàn.