Dấu ấn quản lý thị trường: Đằng sau những chiến công thầm lặng

0:00 / 0:00
0:00
Dù không thừa nhận việc ‘Tướng tài mang lại sự đổi thay’ nhưng những dấu ấn từ những hành động ‘làm thật, xử thật’ hay ‘chủ động tấn công thay vì ngồi chờ tin báo’ của lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã minh chứng cho sự chuyển mình rõ rệt của lực lượng này trong thời gian qua.

Khi Quản lý thị trường vào cuộc chiến tấn công tội phạm mạng

Những chuyên án phá kho chứa hàng tấn kẹo Trung Quốc hô biến thành kẹo xuất xứ Nhật Bản; triệt phá nhiều đường dây cung cấp, kinh doanh sản phẩm linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ, hóa mỹ phẩm, vải nhập lậu, thuốc lá, xăng dầu, thực phẩm chức năng nhập lậu, rồi đến các loại thực phẩm bẩn….. với tổng giá trị nhiều tỷ đồng cũng đã được lực lượng Quản lý Thị trường ở các địa phương liên tiếp thực hiện thời gian qua.

Với lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên đề kiểm tra việc kinh doanh hàng hóa, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng đã giúp người nông dân tránh được những hậu quả khó tưởng tượng. Những vụ mùa bội thu trên cả nước cũng một phần có sự đóng góp thầm lặng của lực lượng mặc áo màu xanh dương khi cuộc chiến hàng giả ngày càng căng thẳng, tinh vi hơn.

Dấu ấn quản lý thị trường: Đằng sau những chiến công thầm lặng ảnh 1

Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội mới, những hình thức kinh doanh trốn thuế, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, không rõ xuất xứ trên mạng xã hội cũng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Ngay lập tức, lực lượng quản lý thị trường đã nhanh chóng bước vào cuộc chiến mới dù gặp đủ khó khăn, thách thức.

Hàng loạt chiến công đầu tiên trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm kinh doanh qua mạng của lực lượng quản lý thị trường cũng được ghi nhận ở các địa phương. Mới đây nhất, ngày 27/4/2022, sau hơn 2 tháng trinh sát, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường Thanh Hóa (phối hợp với PC03, Công an tỉnh Thanh Hoá) kiểm tra 5 kho hàng tại đường Tô Vĩnh Diện (thị xã Bỉm Sơn) và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm thời trang, chủ yếu là quần áo và chăn gối mang nhiều thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Zara, Gucci, Moschino...nghi là hàng giả bán qua livestream.

Dấu ấn quản lý thị trường: Đằng sau những chiến công thầm lặng ảnh 2

Lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng nghìn sản phẩm quần áo nhái thương hiệu nổi tiếng

Dấu ấn quản lý thị trường: Đằng sau những chiến công thầm lặng ảnh 3

Kiểm tra nhiều kho hàng, tạm giữ hàng trăm nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng nghi nhập lậu tại TPHCM

Hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa, tiên phong hiến máu cứu người

Năm 2021 cũng ghi dấu ấn của lực lượng Quản lý thị trường khi hàng loạt điểm nóng buôn lậu than, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiêu thụ, giải cứu nông sản, chống dịch… đều có sự tham gia ngày đêm của những chiến sĩ màu áo xanh dương.

Hình ảnh những chiến sĩ áo xanh dương luôn có mặt tại các điểm nóng về dịch bệnh bên cạnh các tuyến đầu chống dịch như y, bác sĩ, công an, quân đội trong suốt hơn 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam cũng đã để lại những ấn tượng sâu đậm. Đây cũng là quãng thời khắc khó quên với lực lượng quản lý thị trường ở nhiều địa phương khi bước vào cuộc chiến chống vi phạm trong kinh doanh vật tư y tế, các mặt hàng thiết yếu phòng, chống dịch COVID-19. Khi tình trạng khan hiếm, tăng giá một số trang thiết bị, vật tư y tế lên đến đỉnh điểm, hàng loạt cơ sở, đường dây sản xuất, phân phối khẩu trang y tế, kít test nhanh COVID-19 cùng nhiều sản phẩm phòng, chống dịch khác kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng quản lý thị trường phối hợp với nhiều lực lượng triệt phá.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến hoạt động kinh tế, xã hội bị đình trệ, hoạt động cứu chữa người bệnh tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn do thiếu cần máu trong điều trị, Tổng cục Quản lý thị trường đã phát động (năm thứ ba liên tiếp) chương trình hiến máu tình nguyện trong toàn lực lượng. Qua 3 lần tổ chức, đã có gần 3.000 cán bộ, công nhân viên chức tham gia với tổng cộng 822.955 ml máu đóng góp vào ngân hàng máu quốc gia để cứu chữa cho những bệnh nhân cần máu vào những lúc cam go nhất.

Dấu ấn quản lý thị trường: Đằng sau những chiến công thầm lặng ảnh 4

Qua 3 lần tổ chức, đã có gần 3.000 cán bộ, công nhân viên chức tham gia với tổng cộng 822.955 ml máu đóng góp vào ngân hàng máu quốc gia để cứu chữa cho những bệnh nhân

Dấu ấn từ việc chuyển đổi

Đánh giá về những việc đã làm được, Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhận định, sau 3 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, toàn lực lượng đã tạo được bước chuyển mình tích cực.

Hiện tại, Tổng cục là đơn vị duy nhất thực hiện công tác tinh giản bộ máy rất tốt. Khi nhận bàn giao, cả lực lượng có 681 Đội Quản lý thị trường, đến đầu năm 2021, cả lực lượng chỉ còn 376 Đội (giảm 45%). Thực tế đã minh chứng việc tinh giản bộ máy không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp.

“Kể từ khi thành lập Tổng cục, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tổng cục đã thực hiện tiến công vào những "điểm nóng", đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được tại 2 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh, hay như vụ việc kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TPHCM. Những vụ việc lớn cho thấy lực lượng đã khắc phục được điểm yếu cốt tử trước đây - sự chia cắt theo địa bàn. Tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời”, ông Linh chia sẻ.

Trong 3 năm qua, kể từ khi chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra gần 330.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 214.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước ước trên 1.220 tỷ đồng. Tổng cục, đã chuyển 536 vụ sang cơ quan điều tra, đã khởi tố 96 vụ.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.