Đất trời 'hội tụ' bên đồi chè cổ thụ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mẹ thiên nhiên ưu ái, ban tặng những tinh tuý của đất trời cho vùng đất nơi góc trời phố núi Pleiku. Còn gì tuyệt vời hơn khi quanh Biển hồ T’Nưng có hàng thông cổ thụ dẫn lối tới chùa Bửu Minh linh thiêng, cổ kính, ai muốn khám phá nữa sẽ thẳng tới núi lửa Chư Đăng Ya hùng vỹ. Và thật thiếu sót khi không nhắc tới đồi chè cổ thụ hơn nghìn ha ôm trọn những cảnh đẹp ấy.

Công nhân đầu tiên

Dù nơi đâu nắng nóng nhưng cao nguyên Pleiku vẫn cứ mát lạnh. Biển hồ T’Nưng như “đôi mắt” với vẻ đẹp hoang sơ, màu nước xanh biếc sâu thẳm huyền bí. Gần đó là hàng thông cổ thụ dẫn lối tới chùa Bửu Minh cổ kính.

Sát bên đồi chè bạt ngàn, xanh mát là núi lửa Chư Đăng Ya được người dân phủ lên đủ màu sắc của ruộng khoai lang, ngô, hoa… Chuỗi cảnh đẹp ấy sẽ cho mọi người từng cung bậc cảm xúc. Vùng đất tuyệt vời này tiếp giáp giữa phố núi Pleiku và huyện Chư Păh (Gia Lai).

Đất trời 'hội tụ' bên đồi chè cổ thụ  ảnh 1

Chùa Bửu Minh linh thiêng giữa bạt ngàn đồi chè.

Còn gì bằng khi đã trải nghiệm hết không gian ấy lại được thưởng thức một tách trà ướp khí trời nơi đây. Đồi chè đầu tiên của Tây Nguyên với diện tích hơn 1,1 nghìn ha như một tấm thảm xanh mướt được canh tác hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Đồn điền chè đã có từ khoảng năm 1919 khi người Pháp bắt đầu cuộc khai khẩn vùng đất cao nguyên Pleiku để trồng chè vì có khí hậu mát mẻ.

Hồi ấy có 100 công nhân được thực dân Pháp “mộ phu” về từ các tỉnh khác tới đồi chè. Những người công nhân ngày nào giờ chỉ còn vài người đang ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh).

Dò hỏi tới nhà bà Phạm Thị Làm (94 tuổi, xã Nghĩa Hưng) là một trong những người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Gia Lai. Bà sống trong căn nhà cũ 40 mét vuông từ hồi thực dân Pháp xây cho công nhân làm đồn điền chè, sau này để lại cho công nhân. Dù đã lớn tuổi nhưng bà Làm rất minh mẫn, hài hước. Bà có 4 người con, con út của bà giờ cũng đã 67 tuổi.

Đất trời 'hội tụ' bên đồi chè cổ thụ  ảnh 2

Công nhân thu hoạch trà từ vườn trà hơn 13 ha của ông Cương

Bà nhớ lại, hồi ấy bà từ huyện An Nhơn (Bình Định) theo ba mẹ di tản lên thị xã An Khê (Gia Lai), rồi lên vùng chè khi vừa tròn đôi mươi. Bà nhớ như in những những kỷ niệm của đời công nhân hái chè tại đồn điền.

“Ngày ấy mới lên không bóng người, chỉ một màu xanh của chè. Hồi đó tôi nghe đồn điền chè trải rộng đến tận chân núi”, bà Làm kể. Tiếp lời, bà Làm chia sẻ, cuộc sống khi ấy rất vất vả, mỗi tháng được nghỉ 4 ngày nhưng mọi người chẳng biết đi đâu bởi “đồng không mông quạnh”. Còn đi ra ngoài khu vực đồi chè cũng sợ cảnh bom đạn ì ầm ngoài kia. Rồi đến những căn bệnh nơi rừng thiêng nước độc, thêm nạn trộm cắp nữa khiến cuộc sống công nhân vốn đã vất vả lại thêm phần lo âu.

Sau giải phóng, đồn điền chè được giao cho Nhà nước quản lý. Vượt qua bao khó khăn những công nhân qua các thế hệ vẫn tiếp tục bám trụ với nghề hái chè. Thay đổi rõ nhất là những ngôi nhà của phu chè nhỏ bé, chật chội xưa kia dần biến mất và thay vào đó là những ngôi nhà xây mới rộng rãi, khang trang.

Ông Huỳnh Trọng Quang - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết, có 30% trong tổng số 2,5 nghìn hộ dân nhận khoán làm chè. Mỗi năm, Công ty cổ phần chè Biển Hồ xuất khẩu khoảng 700 tấn sản phẩm và thị trường chính là khu vực Trung Đông.

Chư Đăng Ya là một tổ hợp 3 ngọn núi lửa nhỏ nằm sát nhau ở địa phận xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai. Trước đây, Chư Đăng Ya là ngọn núi phun trào dữ dội và có lịch sử tồn tại lâu đời nhất tại Gia Lai. Qua hàng triệu năm, lớp dung nham đã biến nơi đây thành một vùng đất đỏ bazan phì nhiêu.

Vườn trà hoa vàng đầu tiên

Nhắc tới trà hoa vàng, ở xã Nghĩa Hưng ai cũng biết tới ông Nguyễn Ngọc Cương (làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng). Nông trại trà hoa vàng của ông Cương được bao bọc xung quanh bởi ngôi làng Xê Đăng và những tán rừng phòng hộ, đây là vườn trà hoa vàng lớn và đầu tiên ở Gia Lai.

Ông Cương vốn là kỹ sư điện tử, từng sống và làm việc tại Hà Nội. Sau khi xin nghỉ hưu, ông đã đi du lịch khắp đất nước. Nhưng một lần ghé Gia Lai, ông đã yêu nơi đây vì khí hậu trong lành của vùng đất này. Từ đó ông quyết định mua một khu đất ở làng Ea Lũh với ý định làm khu nghỉ dưỡng vào những ngày cuối tuần và nghỉ lễ.

Ông Cương bộc bạch: “Tôi đến với trà hoa vàng rất tình cờ. Chỉ là đi khắp nơi thấy trà hoa vàng đẹp nên đem về trồng thử. Thấy cây phát triển tốt, dược tính cao nên cuối năm 2019 tôi cùng bạn mua số lượng lớn giống trà hoa vàng, thuê nghệ nhân di thực vào xã Nghĩa Hưng để trồng”.

Đất trời 'hội tụ' bên đồi chè cổ thụ  ảnh 3

Hàng thông cổ thụ trong đồi chè là địa điểm yêu thích của mọi người chụp ảnh.

Ông Cương chia sẻ thêm, giá di thực cây trà hoa vàng vào đây khá cao, gốc to có giá hơn 5 triệu đồng/cây, còn gốc nhỏ khoảng 400 ngàn đồng/cây. Giá trị vậy nên ông đã thuê các nghệ nhân am hiểu về trà hoa vàng từ ngoài Bắc vào trồng, chăm sóc, rồi hướng dẫn cách chế biến để không làm mất dược tính của hoa trà.

Với diện tích hơn 13 ha, ông Cương tiến hành trồng các loại cây rừng lấy gỗ như gáo vàng, bò ma, cây ăn quả lấy bóng mát để cây trà hoa vàng phát triển theo hướng tự nhiên. Vườn trà hoa vàng của ông có gần 30 ngàn cây lớn nhỏ.

Ông Cương nhẩm tính, trà hoa vàng trưởng thành từ 7 năm cho thu hoạch khoảng 3 kg hoa tươi/năm, với giá bán hiện tại mỗi cây sẽ cho thu nhập từ 900 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Khác với các tỉnh ngoài Bắc có vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, còn trà hoa vàng được ông Cương trồng xen dưới tán các loại cây rừng, thời tiết thuận lợi nên cho hoa quanh năm.

“Trà hoa vàng Made in Gia Lai được các chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng, dược tính. Để sản phẩm trà hoa vàng vươn xa, tôi đã thành lập công ty, từng bước xây dựng thương hiệu trà hoa vàng Gia Lai. Quy trình sản xuất, chế biến trà hoa vàng được thực hiện theo phương thức truyền thống nhằm giữ trọn hương vị thiên nhiên trong từng cánh hoa và lá trà. Bởi vậy, sản phẩm trà của công ty đã được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh”.

Ông Cương chia sẻ, vùng nguyên liệu hiện nay của công ty còn nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường. Trong khi đó giá trà hoa vàng hiện nay cũng rất cao, dao động từ 1-10 triệu đồng/kg sấy khô, cá biệt có loại lên 1.000 USD/kg.

Làm ăn có hiệu quả, ông Cương liên kết với các hộ dân xung quanh mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sơ chế của công ty để hướng đến thị trường xuất khẩu. Bởi thế, nông trại của ông Cương hiện giải quyết việc làm cho nhiều lao động người Xê Đăng tại làng Ea Lũh.

Đồn điền chè có từ năm 1919 khi người Pháp bắt đầu khai khẩn vùng đất cao nguyên Pleiku để trồng chè. Hiện nay, đồi chè còn được gọi là “Biển Hồ Chè” vì đó là sự giao thoa giữa hồ nước thủy lợi và nương chè rộng lớn này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.