Ngày 18/9, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế, cho biết vừa tiến hành kiểm tra thông tin, xác minh hiện vật bằng đá mới được một đơn vị thi công cầu đường phát hiện tại xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền), nghi là là cổ vật thuộc nền văn hóa Chăm pa xưa.
Khu vực gần bờ kênh - nơi phát hiện vật bằng đá nghi là cổ vật thuộc nền văn hóa Chăm pa
Trước đó, trong quá trình đào móng thi công cầu Tây Thành, gần chợ Tây Ba, thuộc xã Quảng Thành, một đơn vị xây dựng cầu đường phát hiện hiện vật bằng đá có hình dạng như biểu tượng Yoni thuộc nền văn hóa người Chăm pa cổ xưa. Sự việc ngay sau đó được báo lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Theo ông Đào Lý, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành, sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo địa phương cùng cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra hiện vật. Xác minh thực tế bước đầu cho thấy, đây là hiện vật dạng biểu tượng Yoni của nền văn hóa Chăm pa xưa. Hiện vật làm bằng đá, hình khối chữ nhật, phía trên có hình tròn nhỏ 9 lỗ (1 lỗ to ở giữa và 8 lỗ nhỏ xung quanh), kích thước rộng 1,3m, dày 30cm.
Để bảo đảm xác định chính xác hiện vật, chính quyền địa phương mời cơ quan chức năng cùng các chuyên gia khảo cổ học thuộc Trường đại học Khoa học - Đại học Huế về tiến hành kiểm tra, nghiên cứu giá trị, niên đại cổ vật và lập phiếu hiện vật.
Được biết, vùng đất Quảng Thành (huyện Quảng Điền) từng là nơi tồn tại của thành Hóa Châu. Đây cũng từng là trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa và kinh tế của một vùng tiểu quốc Chăm pa xưa, có thể là Châu Ulik, tương ứng với địa bàn châu Ô - theo cách gọi của Đại Việt, sau này được đổi thành Hóa Châu dưới thời nhà Trần.